Thấy gì từ cú bắt tay giữa VinSmart và “ông hoàng thiết kế” Pininfarina?

00:00 12/10/2020

Khi Pininfarina lần thứ 2 được xướng tên với tư cách là đối tác chính thức của một thương hiệu Việt, cả giới thiết kế và công nghệ đều không khỏi ngỡ ngàng. Nguyên nhân là cái tên có thể khiến “tượng đài” trong ngành thiết kế xe sang bước ra khỏi ranh giới giá trị lõi mà họ đã theo đuổi suốt gần 1 thế kỷ qua lại là một thương hiệu smartphone còn rất trẻ - Vsmart.

Muốn vươn tầm thì buộc phải khác biệt

Kể từ khi ra đời vào năm 1930, studio lừng lẫy của Ý chỉ thiết kế xe sang. Từ Rolls – Royce, Maserati, BMW... tới “ngôi sao mới” VinFast của Việt Nam đều là khách hàng của Pininfarina. Đặc biệt, nhà thiết kế Ý còn được coi là người định hình phong cách cho siêu xe Ferrari huyền thoại.

Thỏa thuận hợp tác với VinSmart là lần chắp bút đầu tiên của Pininfarina trong lĩnh vực thiết kế điện thoại di động. Tuy nhiên, đi sâu phân tích, giới chuyên gia đều có chung nhận định, cú “bắt tay” này là một bước đi táo bạo nhưng khôn ngoan của cả đôi bên.

Từ góc độ tâm lý khách hàng, đại diện các nhà phân phối cho biết khi mọi thứ về smartphone gần như đã bão hòa cả về phần cứng và phần mềm như hiện nay, thì thiết kế là yếu tố cực kỳ quan trọng, chiếm tới 60 - 70% quyết định mua hàng của người dùng. Điều này càng đúng khi smartphone đang được xem như một “món đồ trang sức”. Người dùng thường gắn bó với hãng có giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX) riêng biệt.   

“Làm đẹp bề ngoài thì dễ còn làm theo đặc trưng ngôn ngữ riêng rất khó. Vì thế, bước đi của VinSmart là rất khôn ngoan, vì đối tác Pininfarina chuyên sáng tạo ra những sản phẩm có 1-0-2”, ông Nguyễn Ngọc Đạt, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Di động Việt, đánh giá.

Bắt tay với Pininfarina chứng minh cho chiến lược đầu tư từ gốc của VinSmart.

Theo các chuyên gia, không giống như các sản phẩm công nghệ khác, “đất diễn” cho khâu thiết kế kiểu dáng của những chiếc smartphone rất hẹp. Nhân tố quyết định thành bại nằm ở ngôn ngữ thiết kế. Đây cũng là “sàn đấu sống còn” giữa tất cả các hãng. Nhưng để có ngôn ngữ thiết kế riêng, đạt đến đỉnh cao về độ mượt mà, tinh tế thì đến nay không nhiều nhà sản xuất làm được.Ông Đạt cũng cho biết UI và UX thường được thiết kế cho cả hệ sinh thái của hãng điện thoại. “Do đó, sự hợp tác này không chỉ mang đến một ngôn ngữ thiết kế riêng cho các dòng sản phẩm cao cấp mà còn cho tất cả các mẫu điện thoại sau này. Đó là sự đầu tư từ gốc”.

“Là tân binh trong lĩnh vực smartphone, nhà thiết kế nổi tiếng về sự tinh tế Pininfarina sẽ không bị theo lối mòn, từ đó có thể tạo ra nguyên lý thiết kế mới mang tính đột phá, không chỉ cho thị trường Việt Nam mà là cả thế giới”, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) phân tích.

TS. Trực cũng là người từng đưa ra dự báo chính xác về thị phần 10 - 30% sau 1 - 2 năm ra mắt của điện thoại Vsmart. Ông cho rằng bước đi này của hãng di động Việt là một chiến lược rất đúng đắn và táo bạo, bởi một thương hiệu mới muốn vươn tầm thì buộc phải khác biệt, nhất là trong thị trường smartphone vốn đã bị các tên tuổi lớn của thế giới chiếm lĩnh từ lâu.

“Năng lực công nghệ của VinSmart thì không còn gì phải nghi ngờ, nhưng để smartphone thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế, nhất là với phân khúc cao cấp, thì công phu hơn nhiều bởi yêu cầu khắt khe cả về thiết kế, kỹ thuật và chất lượng”, vị chuyên gia kỳ cựu nhận định.  

VinSmart sẽ tiến lên phân khúc cao cấp với những chiếc smartphone đẳng cấp hơn.

Vị thế và triển vọng mới

Pininfarina là cái tên tiếp theo trong danh sách những “đại gia” toàn cầu “bắt tay” với VinSmart sau những “người khổng lồ” công nghệ như Google, Qualcomm... Theo TS. Mai Liêm Trực, chiến lược thông minh này của thương hiệu smartphone Việt là bí quyết giúp VinSmart chỉ sau 15 tháng đã đi qua giai đoạn “đuổi kịp”, “vươn lên” để thực sự trở thành “người dẫn dắt” trên thị trường smartphone Việt Nam.

“Đứng trên vai người khổng lồ thì mới vươn cao được. Đi cùng các thương hiệu quốc tế thì ra thế giới sẽ thuận lợi và nhanh hơn”, vị chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ viễn thông nhận định. “Họ tin tưởng mình, thấy rõ tầm nhìn và khát vọng của mình nên mới quyết định gắn bó đường dài. Với studio của Ý, nếu thành công, tên tuổi của họ sẽ được khẳng định thêm ở một lĩnh vực mới”.

TS. Mai Liêm Trực nhận xét, thương hiệu smartphone của Vingroup đang hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để có thể tạo nên kỳ tích mới sau khi giành tới 16,7% thị phần chỉ sau hơn 1 năm, đặc biệt là với sự đồng hành của “cha đẻ” nhiều mẫu xe sang danh tiếng.

“Phân khúc cao cấp hiện đang là sân chơi riêng của một vài hãng lớn, nhưng chúng ta có cơ sở để đặt niềm tin vào VinSmart. Thậm chí, tôi tin sau 2 - 3 năm, VinSmart có thể vươn lên top 3 trong phân khúc có tính cạnh tranh khốc liệt này”, TS. Trực chia sẻ.  

Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá, việc hợp tác với Pininfarina cho thấy thương hiệu di động của Vingroup quyết tâm nhảy vào phân khúc cao cấp có sự cạnh tranh rất gắt gao, ngay cả với những hãng lớn của thế giới.

“Để thành công như hôm nay, các ‘ông lớn’ đều đã không tiếc công của đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. Thời gian qua, Vingroup cũng thành lập nhiều viện nghiên cứu và tài trợ mạnh cho khoa học công nghệ. Tôi cho đây là bước đi bài bản, tạo nền tảng để xây dựng thương hiệu công nghệ Việt bền vững”, PGS. Minh nói thêm.  

PGS. Minh cũng tiết lộ thời gian gần đây cả Google và Qualcomm đều đang mở rộng văn phòng và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật tại Việt Nam. “Đây là chỉ dấu cho thấy họ nhìn rõ và tin tưởng vào tiềm năng rất lớn của ngành sản xuất thiết bị điện tử nước ta, trong đó có đóng góp lớn của VinSmart”.

Vị chuyên gia về sản xuất thiết bị điện tử còn nhìn thấy một triển vọng lớn khác khi một doanh nghiệp Việt chứng minh được năng lực dẫn dắt chuỗi cung ứng của ngành. Theo PGS. Minh, doanh thu của ngành công nghệ điện tử nước ta là rất lớn nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam lại không nhiều, lương của người lao động Việt Nam đang thấp do đứng đầu chuỗi và nắm “quyền sinh quyền sát” thời gian qua là các doanh nghiệp FDI.

“Không chỉ nâng cao vị thế của ngành, một doanh nghiệp đủ mạnh đứng đầu chuỗi như VinSmart sẽ giúp giữ lại doanh thu lớn cho Việt Nam, để người Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ các giá trị gia tăng đó”, PGS. Minh nói.   

L.P