Thấy gì sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và doanh nghiệp tư nhân?

00:00 12/10/2020

Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc từ lâu đã được hưởng ưu đãi tài trợ và các lợi ích kinh tế lớn, nhưng niềm tin đang bị sa sút do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã trấn an và khích lệ các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại gia tăng.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, tại một hội nghị chuyên đề với các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra các biện pháp hứa hẹn bao gồm những ưu đãi về thuế và các gói kích thích tài chính, đồng thời trấn an các doanh nghiệp tư nhân trong điều kiện chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang leo thang.

"Tất cả các doanh nghiệp tư nhân nên cảm thấy hoàn toàn yên tâm và cống hiến hết mình để thúc đẩy sản xuất kinh doanh", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình cho biết.

Ông Andy Xie, chuyên gia kinh tế độc lập, trước đây làm việc cho Morgan Stanley, cho biết những lời khuyến khích của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể có một tác động tâm lý tích cực, nhưng cái mà các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đang cần là hành động từ chính quyền.

Chuyên gia này cho biết, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã được "khuyến khích" bởi một môi trường mang đậm chính trị hơn mọi thứ khác trong 5 năm qua. Điều này đã thực sự tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp tư nhân", ông Andy Xie nhấn mạnh.

Trong một sự thừa nhận rõ ràng về những lo ngại về lợi ích chính trị cho khu vực nhà nước, ông Tập kêu gọi một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân và nói chính phủ Trung Quốc nên chú ý hơn đến nhu cầu của họ.

Khu vực tư nhân của Trung Quốc rất đa dạng, bao gồm những gã khổng lồ như Alibaba, Tencent... cũng như các công ty nhỏ hơn tạo thành xương sống của ngành sản xuất của đất nước.

Theo Công ty tài chính Nomura (Nhật Bản), chiến dịch giảm nợ của Trung Quốc cùng với các chính sách khác đã tác động tiêu cực đến các công ty tư nhân của Trung Quốc.

"Chúng tôi xem những động thái mới nhất này của Chủ tịch Tập Cận Bình như một nỗ lực rõ ràng để tăng niềm tin của thị trường vào thời điểm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phải đối mặt với sự suy giảm tồi tệ hơn dự kiến, thị trường chứng khoán giảm mạnh và khu vực tư nhân đang bị thắt chặt về tài chính", Nomura cho biết trong một báo cáo phân tích.

Trong khi theo Citigroup, sau khi tái đảm bảo cho các doanh nhân tư nhân Trung Quốc, chính phủ nước này đang tìm cách thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia rằng sự tham gia của họ trong phát triển kinh tế Trung Quốc được hoan nghênh.

Có thể thấy, Trung Quốc đang nỗ lực kêu gọi các "đầu tàu kinh tế" lớn của họ cống hiến nhiều hơn để phát triển nền kinh tế trong nước khi xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. 

Việc lựa chọn các doanh nghiệp đến dự buổi thảo luận chuyên đề nói trên cho thấy, chính quyền Trung Quốc đang mong muốn phát triển khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu và những lời đe dọa liên tiếp của Tổng thống Donald Trump về việc ngăn chặn các nhà cung cấp công nghệ cao tiếp cận với Bắc Kinh.

Trong khi đó, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu rõ rằng Trung Quốc phải phát triển, quản lý và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đảm bảo tương lai của nước này trong cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ sắp tới.