Tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp

10:58 15/03/2021

Nghị định 140/2020/NĐ-CP với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong thời gian qua là cơ sở pháp lý để triển khai, đẩy nhanh công tác cổ phần hóa.

Để tháo gỡ khó khăn quá trình quá trình cổ phần hóa, ông Lê Xuân Hải - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP (NĐ 140) sửa đổi, bổ sung một số điều của 3 nghị định gồm Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (NĐ 126), Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (NĐ 91) và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP (NĐ 32) có hiệu lực từ ngày 30/11/2020. Nghị định gồm có 6 điều, trong đó có 26 khoản mục sửa đổi, bổ sung và 7 khoản mục bãi bỏ một số nội dung của Nghị định 126; 23 khoản mục sửa đổi, bổ sung và 5 khoản mục bãi bỏ một số nội dung của NĐ 91 và NĐ 32. 

Nghị định 140/2020/NĐ-CP với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước .
Nghị định 140/2020/NĐ-CP với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ..

Cụ thể, đối với NĐ 126, NĐ 140 sửa đổi, bổ sung một nội dung cơ bản như: bổ sung điều kiện cổ phần hóa (CPH) phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi CPH; sửa đổi quy định về xác định giá trị DN trong đó quy định rõ không tính tiền thuê đất vào giá trị DN; bổ sung các nội dung về xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN và thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần; về xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp CPH trước NĐ 126…

Đối với NĐ 91 và NĐ 32, NĐ 140 sửa đổi, bổ sung một số quy định về đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; về xác định giá khởi điểm và thanh toán tiền mua cổ phần để đảm bảo việc chuyển nhượng vốn phù hợp và sát hơn với thị trường mà vẫn đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà nước/DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các nhà đầu tư. Cụ thể như: bổ sung mức giá tham chiếu của mã chứng khoán trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn 1 ngày khi xác định giá khởi điểm; xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm vào giá khởi điểm được căn cứ vào thời hạn còn lại trong chu kỳ ổn định 5 năm, thay vì thời hạn thuê đất còn lại trong hợp đồng hoặc quyết định cho thuê đất, theo quy định tại NĐ số 32 và Thông tư số 59/2018/TT-BTC; bãi bỏ quy định nhà đầu tư phải thanh toán theo giá sàn của ngày mở cuộc đấu giá công khai trong trường hợp giá trúng đấu giá thấp hơn giá sàn…

Với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung như trên, NĐ 140 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách CPH, thoái vốn nhà nước trong thời gian qua và là cơ sở pháp lý để triển khai, đẩy nhanh công tác CPH và thoái vốn nhà nước trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Theo lãnh đạo Cục TCDN, ngay sau khi NĐ 140 được ban hành, Bộ Tài chính đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhiều công việc cả về xây dựng cơ chế chính sách cũng như tuyên truyền hướng dẫn nghị định, để sớm đưa NĐ 140 vào cuộc sống.

Cụ thể, ngay sau khi NĐ 140 được ban hành, Cục TCDN đã khẩn trương xây dựng dự thảo 3 thông tư hướng dẫn trình Bộ Tài chính, nhằm thay thế 5 thông tư hướng dẫn các NĐ 126, NĐ 91 và NĐ 32. Bao gồm:  thông tư hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của DN nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DN nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần; thông tư hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi DN thực hiện CPH theo quy định tại NĐ 126 và NĐ 140; thông tư hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN quy định tại NĐ 91, NĐ 32, NĐ số 121/2020/NĐ-CP và NĐ 140.

Các dự thảo thông tư trên đã được Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, DN và hiện đang trong quá trình tổng hợp ý kiến đóng góp, hoàn thiện và dự kiến sẽ được ban hành vào cuối tháng 3/2021.

Đồng thời, hiện Bộ Tài chính cũng đang sửa đổi, bổ sung Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trong đó quy định về xác định giá trị tài sản vô hình làm căn cứ để xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử) trong giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn, quy định tại điểm d khoản 15 và điểm c khoản 18 Điều 2 NĐ 140.

PV.