Thành phố Thông minh - nguồn lực để Bình Dương phát triển

09:37 31/12/2021

Xây dựng thành phố Thông minh (TPTM) với 5 trụ cột: Quy hoạch đô thị, giao thông, đổi mới sáng tạo, công nghiệp, nguồn nhân lực là những yếu tố cốt lõi trong xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Đây được xem là động lực quan trọng để địa phương khôi phục sau làn sóng Covid-19 vừa qua.

 

Phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ một trong những dự án trọng điểm của đề án Thành phố Thông minh Bình Dương
Phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ một trong những dự án trọng điểm của đề án Thành phố Thông minh Bình Dương.

Những năm qua mặc dù tỉnh Bình Dương đã chủ động phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, các chương trình phát triển đô thị, nhưng với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số nhanh đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị. Trong công tác lập thẩm định phê duyệt quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cũng còn bất cập hạn chế như thiếu sự thống nhất giữa các loại quy hoạch, tính dự báo chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó công tác thu hút đầu tư đối với các khu đô thị, đặc biệt các khu đô thị có quy mô lớn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật đô thị của tỉnh chưa đồng bộ, tình trạng ngập úng cục bộ ở một số khu vực chậm được giải quyết...

Từ nhận thức những khó khăn nêu trên, Bình Dương đã chủ động đi tìm những giải pháp, thông qua các mối quan hệ hơp tác quốc tế, các chuyến đi học hỏi và thảo luận với các nhà khoa học. Năm 2016, Bình Dương đã xây dựng đề án Thành phố Thông minh Bình Dương với mô hình học hỏi từ Thành phố Einhoven, Hà Lan. Đề án như kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của Bình Dương trong giai đoạn hiện nay, giải quyết trực tiếp các thách thức của tỉnh bằng những đề án cụ thể, tạo những đòn bẩy trên nhiều khía cạnh của xã hội.

Bình Dương đã thực hiện đề ra chương trình “Phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng TPTM Bình Dương”. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh quản lý quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững. Xây dựng hệ thống đô thị thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có môi trường sống lành mạnh, thân thiện và có màu sắc, có kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại. Các đô thị theo phân loại và phân cấp quản lý giữ vai trò chủ động trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đổi mới sáng tạo trong quản lý đô thị, cải tạo chỉnh trang, nâng cao chất lượng đô thị. Đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Đồng thời tiếp tục triển khai các dự án nền tảng của đề án TPTM Bình Dương, hướng trọng tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, tăng trưởng thông minh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Qua hơn 4 năm thực hiện, đề án Thành phố Thông minh của Bình Dương đã định hình và trực tiếp tham gia giải quyết những thách thức hiện hữu của tỉnh bằng những đề án cụ thể được phân loại theo từng vấn  đề như sau:

Vượt qua bẫy thu nhập trung bình,có hai yếu tố nguy cơ cần phải được giải quyết để giúp cải thiện năng suất lao động tại Bình Dương đó là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng phương thức và phương tiện sản xuất mới, điều này được cụ thể hóa bằng các dự án cụ thể trong đề án Thành phố Thông minh Bình Dương như Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Thành phố mới Bình Dương; Hệ thống giáo dục đào tạo chất lược cao, đạt chuẩn quốc tế; Công trình Khu xưởng thực nghiệm phục vụ khởi nghiệp tại TP Mới Bình Dương.

Đặc biệt, phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN) một trong những dự án trọng điểm của đề án Thành phố Thông minh Bình Dương, là công trình tạo lực, dự án mũi nhọn để đột phá sản xuất công nghiệp, xây dựng hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết hợp trường viện nghiên cứu với doanh nghiệp, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, từng bước lan tỏa tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao trong tương lai.

Bình Dương và Becamex IDC hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội đô thị khoa học công nghệ thế giới WTA, học tập mô hình từ thành phố Daejeon Hàn Quốc, Eindhoven Hà Lan, Singapore và nhiều thành phố khoa học khác trên Thế giới để nghiên cứu mô hình, phương án thực hiện, chiến lược và chính sách phát triển KCN KHCN, đưa ra định hướng về các ngành nghề cụ thể cần đẩy mạnh trong khu, quy hoạch kiến trúc tổng thể cho Khu công nghiệp Khoa học Công nghệ.

Những năm qua tỉnh Bình Dương đã chủ động phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, các chương trình phát triển đô thị
Những năm qua tỉnh Bình Dương đã chủ động phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, các chương trình phát triển đô thị.

Việc Bình Dương ra nhập hiệp hội các Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 2019 sẽ là đòn bẩy cho việc phát triển thương mại và dịch vụ của Bình Dương, đưa thành phố mới Bình Dương trở thành điểm giao thương quốc tế, kết nối, là nơi tổ chức các sự kiện triển lãm mang tầm vóc quốc tế. Trung tâm Thương mại Thế giới TP mới Bình Dương bao gồm vòng xoay A1 và tòa nhà A9, và Trung tâm Hội nghị triển lãm WTC Expo là những công trình trọng điểm kỳ vọng đóng góp vào việc phát triển thương mại dịch vụ cho Bình Dương.

Với đề án Xây dựng Khu thử nghiệm về Thương mại điện tử xuyên biên giới, đây là công trình nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ, tập trung vào hậu cần cho thương mại điện tự tại Bình Dương, đồng thời để thu hút nguồn nhân lực và chất xám trong lĩnh vực thương mại điện tử về Bình Dương. Song hành với việc xây dựng các kho ngoại quan, là việc ứng dụng nền tảng công nghệ với sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những trụ cột trong việc đẩy mạnh và phát triển thương mại điện tử và phát triển kinh tế số cho các quốc gia.

Đối với sức ép về quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông, các dự án giao thông trọng điểm được khởi công và xây dựng đồng loạt. Các tuyến đường giao thông trọng điểm như  đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, đường ĐT 743, ĐT 746, ĐT 747, đường Vành Đai 3, đường Vành Đai 4, cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường Tây Quốc Lộ 13, đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài, đường ĐT 744. Đây là những tuyến đường huyết mạch nối Bình Dường với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam như TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước.

Trong phát triển nguồn nhân lực, xây dựng những Trung tâm xuất sắc ngành dọc, ban đầu là Trung tâm Sản xuất Thông minh và Phát triển Công nghệ 4.0 Becamex, thu hút có chọn lọc những chuyên gia có tầm cỡ thế giới: Chiến lược thu hút các chuyên gia, giáo sư,… có uy tín trong ngành, ở môi trường quốc tế, về làm việc và hợp tác, qua đó khẳng định chất lượng của trung tâm xuất sắc, những cá nhân đó cũng chính là “những ngọn hải đăng” trong ngành, tạo uy tín cho các trung tâm, từ đó sẽ dễ thu hút thêm nguồn nhân lực.Giai đoạn sắp tới, TCT Becamex phối hợp với Tỉnh Bình Dương tiến hành triển khai các dự án cụ thể, nhằm đảm bảo cho nhu cầu sử dụng băng thông phù hợp với xu thế mới, đặc biệt là nhu cầu chuyển đổi số và công nghiệp 4.0. Đơn cử là dự án wifi công cộng trong Thành phố mới Bình Dương.

Đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại
Đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại.

Với những giải pháp cô đọng từ thực tiễn vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp (Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; Phát triển kinh tế cân bằng; Chuyển đổi số và Phát triển công nghiệp 4.0; Phát triển nguồn nhân lực) được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển các đề án trong đề án Thành phố Thông minh Bình Dương, là sự cô đọng của chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương. Mỗi lớp đóng vài trò riêng nhưng có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Mỗi lớp là định hướng cho một  tập hợp các đề án có chủ đích nhằm giải quyết những thách thức của tỉnh theo từng chủ điểm, hòa chung lại theo 5 lớp sẽ tạo ra những tác động liên ngành, trên diện rộng, trực tiếp vào mọi mặt đời sống xã hội.

Để tiếp tục hiện thực hóa chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương được cô đọng trong mô hình 5 lớp, cũng như duy trì được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trong TOP 7 ICF, tiến tới vào TOP 1 ICF, đòi hỏi sự kiên định, và tiếp tục đồng hành rất lớn giữa các thành tố trong xã hội, đặc biết là bà nhà, nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Mỗi một thành tố sẽ có thể đóng góp tùy theo vai trò của mình. Nhà nước cần tiếp tục thể hiện vai trò kiến tạo của mình, thúc đẩy các dự án đầu tư công, sự vào cuộc của nhà nước là lực đẩy lớn cho nhà doanh nghiệp - nhân tố chính trên mặt trận phát triển kinh tế, và nhà trương – nhân tố chính trên mặt trận phát triển con người và khoa học kỹ thuật. Tất cả đều phải thể hiện bằng những đề án cụ thể, tướng ứng với 5 lớp, nhằm tạo ra những tác động tức thì cho xã hội.

Việc Bình Dương lần đầu tiên được Cộng đồng thông minh thế giới ICF vinh danh trong TOP 7 sau 3 lần liên tiếp được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ghi nhận trong Top 21 là một niềm vinh dự, tự hào, là thành quả xứng đáng cho những cố gắng, và sự thông minh trong việc lựa chọn chiến lược phát triển của Bình Dương những năm qua. Nhưng để giữ vững và phát huy hơn nữa những thành quả đó, để vượt qua những thách thức còn rất lớn ở phía trước, đưa Bình Dương thành vùng đất thịnh vượng, có thu nhập cao, khoa học kỹ thuật phát triển, là điểm đến cho các hoạt động giao thương, thương mại và dịch vụ toàn cầu, là mảnh đất cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát minh,… còn cả một chặng đường phía trước. Lịch sử phát triển của một quốc gia, vùng đất là một cuộc chạy đua tiếp sức, thế hệ đi trước tạo tiền đề cho thế hệ đi sau, chiến lược phát triển thông minh như chiếc gậy trong cuộc đua tiếp sức đó, khi đã tìm ra được lối đi và định hình được chiến lược, cùng là lúc cần tăng tốc để cuối cùng sớm đạt được mục tiêu thịnh vượng, bền vững.

Lâm Hạ Long