Thanh Hóa: Ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn

07:03 08/10/2021

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kết luận số 624-KL/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, Thanh Hóa sẽ thực hiện quán triệt sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, chi đạo, quản lý thống nhất của Chính quyền, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; đưa các chỉ tiêu về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở từng địa phương, đơn vị. 

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch. (Ảnh: minh họa)

Để thực hiện mục tiêu đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Thanh Hóa taaph trung  nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi an toàn; chính sách khuyến khích áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hệ thống kiểm soát chất lượng tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, cung ứng thực phẩm an toàn, ưu tiên các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn theo phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất độc hại.

Đẩy mạnh xây dựng mô hình và mở rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm an toàn: Đặc biệt ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; các nhà máy chế biến thực phẩm, rau, củ, quả gắn với vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao. Tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng và các khu vực có điều kiện trở thành khu vực sản xuất sản phâm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, nhất là các sản phẩm chăn nuôi chủ lực. Đẩy mạnh xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn, cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; ngăn chặn, xóa bỏ các chợ, điểm kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đưa vào chế biến trong bếp ăn tập thể; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, tại các bếp ăn tập thể, nhất là tại các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp... Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, công nhận và nhân rộng mô hình xã an toàn thực phẩm, xã an toàn thực phẩm nâng cao.

Tăng cường kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thực phẩm, nông sản sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là các sản phẩm chất lượng cao, an toàn; tổ chức các phiên chợ “Tuần nông sản, thực phẩm an toàn xứ Thanh” tại các địa phương trong nước, nhằm thúc đẩy liên kết và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là đưa thực phẩm, nông sản an toàn của các địa phương trong tỉnh vào các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi; phát triển thương mại điện tử phục vụ kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn, nhất là ở các thành phố, thị xã. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất liên kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cao; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh; triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các sản phẩm thực phẩm an toàn.

Bên canh đó,Thanh hóa sẽ chú trọng công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm; ưu tiên đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, lấy mẫu, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã. Thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phấm, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất phụ gia, chất hỗ trợ trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp có kiến thức về an toàn thực phẩm; 95% trở lên người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, bên canh việc đầu tư sách nhà nước và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan chuyên môn, các cơ quan chức năng, Thanh Hóa cũng sẽ thực hiện xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyền giao tiến bộ kỹ thuật nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Lâm