Theo đó, Nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ra đời đã hình thành cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai, hướng tới xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Từ năm 2019 đến hết năm 2024, toàn tỉnh tích tụ, tập trung ước đạt 29.461ha để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn thông qua hình thức thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn đang phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hiện tỉnh Thanh Hóa đã có 200ha ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả, hoa; gần 2.500ha sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP; 13,6 ha đạt chứng nhận hữu cơ và khoảng 5.100ha sản xuất theo hướng hữu cơ.
Thanh Hóa tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sản xuất xanh |
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn mang lại hiệu quả cao. Điển hình như tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Quảng Xương, Yên Định, Triệu Sơn, Nông Cống, Hoằng Hóa, Nghi Sơn... các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đã thuê đất hoặc chuyển nhượng đất, xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng rau, hoa, quả, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào trong quy trình sản xuất, đem lại doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Ghi nhận tại trang trại sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Anh (phường Nguyên Bình, tx Nghi Sơn) cho thấy, với gần 10 ha đất tích tụ được, ông anh đầu tư trồng dưa kim vàng hoàng hậu, dưa leo, khoai lang Nhật, ngô ngọt chính vụ. Những năm gần đây, gia đình ông Anh đã thực hiện quy trình sản xuất xanh kết hợp với đầu tư quy mô đã tạo ra nguồn nông sản chất lượng, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hằng năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông đều có lãi đều đặn hơn 1 tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Anh chia sẻ: Thay vì sử dụng phân hóa học thì ông chọn cách sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ trong quy trình sản xuất. Để tạo ra nguồn nông sản sạch, thân thiện với môi trường, gia đình ông nói không với thuốc diệt cỏ và xử lý đất bằng cách phơi đất một mùa sau thu hoạch, luân phiên theo khu vực trên tổng diện tích gần 10 ha, mùa nào gia đình ông cũng có nông sản phục vụ thị trường. Phân bón cũng được ông thu gom từ các trang trại chăn nuôi về và ủ bằng EM, triệt tiêu nấm bệnh sau đó mới đưa vào sản xuất. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên nông sản của trang trại gia đình ông không chỉ có chất lượng vượt trội so với thị trường mà còn được người tiêu dùng tín nhiệm.
Thực hiện quy trình sản xuất xanh kết hợp với đầu tư quy mô đã giúp trang trại tạo ra nguồn nông sản chất lượng, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường |
Đối với các doanh nghiệp lớn, việc thực hiện sản xuất xanh sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường và mở rộng cánh cửa hội nhập đối với thị trường thế giới. Năm 2012, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) được cấp chứng nhận giao dịch tín dụng carbon với mức giá 7,8 Euro (9 USD) cho mỗi tấn CO2 theo Cơ chế phát triển sạch. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án bù đắp carbon vùng mía, lúa đã được ghi nhớ hợp tác giữa 3 bên Lasuco - Sagri (đơn vị tư vấn Sigapore) - Idemitsu (đơn vị mua giảm phát thải của Nhật Bản). Nếu dự án triển khai thuận lợi, trong thời gian tới, gần 8.000 hộ dân liên kết trồng mía và vùng lúa hữu cơ của tỉnh sẽ có thêm cơ hội tăng nguồn thu mới từ bán tín chỉ carbon. Theo đại diện Lasuco, trong phương án này, nông dân sẽ canh tác mía, lúa theo hướng giảm phát thải, với việc phân bón và chăm sóc cây trồng đúng cách. Việc này vừa tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất, nông dân lại có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon. Hơn nữa, sản phẩm đầu ra sẽ có thể đạt tiêu chí xanh để xuất khẩu, đặc biệt là có ưu thế tại các thị trường khó tính ở châu Âu.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Thanh Hóa đã có các mô hình, cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất. Đây là dự án áp dụng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về an toàn và môi trường, với chương trình quan trắc môi trường tiêu chuẩn cao, phát thải tự động liên tục. Được biết, đây là một trong số rất ít nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng công nghệ siêu tới hạn (USC) với hiệu suất cao, góp phần giảm tiêu thụ than, giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác. Chủ đầu tư cũng quan tâm xây dựng các công trình bảo vệ môi trường như: Hệ thống khử NOx, SO2, lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý nước thải...
Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất. |
Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục xây dựng khung pháp lý hiện hành theo hướng đẩy mạnh đầu tư xanh, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư vào dự án, giải pháp tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh; nghiên cứu danh mục các nhiệm vụ, dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm và huy động các giải pháp tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế.
Cùng với đó, các nhóm nhiệm vụ truyền thông về các khía cạnh của tăng trưởng xanh, như kinh tế tuần hoàn, lối sống xanh, sản xuất xanh và tiêu dùng xanh (ủng hộ sản phẩm dán nhãn xanh/sinh thái/năng lượng/các-bon...; thay đổi hành vi về tăng cường tái chế, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu chất thải, rác thải nhựa...) cũng được chú trọng triển khai.
Đặc biệt, Thanh Hóa đang chú trọng hoạch định phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Cùng với tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới loại bỏ nhiệt điện than trước năm 2040, tỉnh Thanh Hóa sẽ thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Đồng thời nghiên cứu và ban hành các quy định, chế tài hằng năm đối với việc áp dụng tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo cho các đơn vị sản xuất điện, phân phối điện phù hợp với mục tiêu giảm phát thải.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới |
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.