Thanh Hóa: Định hướng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân

08:28 17/05/2021

Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí Thanh thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa trong ngày làm việc thứ hai ở Hội nghị xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Dự hội nghị có các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đánh giá kết quả đạt được của chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020.

Theo đó, chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn giai đoạn 2016- 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Thanh Hóa đã hoàn thành 07/09 mục tiêu và 18/21 chỉ tiêu phát triển nông nghiệp vượt và đạt mục tiêu của chương trình đề ra. Các chỉ tiêu xây dựng huyện, xã, thôn bản đạt chuẩn NTM vượt mục tiêu kế hoạch.

Phát huy những thành quả đã đạt được, hội nghị tiếp tục phân tích mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình trong giai đoạn tiếp theo, nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp và xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững. Theo đó, hội nghị cũng đề ra 3 định hướng phát triển cho nông nghiệp và nông thôn trong thời gian tới gồm: Định hướng về phát triển chung; định hướng phát triển các vùng và định hướng phát triển các lĩnh vực.

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chủ trì hội nghị

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chủ trì hội nghị.

Riêng đối với vấn đề phát triển nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của nông thôn, cần phải có định hướng phát triển nông nghiệp theo 3 vùng, trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của người dân. Giữ vững và mở rộng diện tích trồng lúa nước trong điều kiện cho phép để bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ của các huyện miền núi. Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn hiệu quả bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ chiều rộng, nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển nông nghiệp quy mô lớn, bền vững, ổn định.

Về nội dung xây dựng NTM, hội nghị cũng nêu ý kiến xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững nâng cao thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng, kinh tế - xã hội nông thôn, tăng cường phát triển dịch vụ thương mại; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân trong xây dựng NTM; đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu và thị trường cho sản phẩm.

Sau khi nghe các đại biểu góp ý xây dựng chương trình tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trong thời gian vừa qua tại tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu của chương trình đều đạt, xây dựng NTM đảm bảo kết quả cao và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, như: Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh còn rất thấp; quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; Các tiêu chí về an toàn, an ninh - trật tự chưa được đảm bảo, công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Đối với nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2021-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với các ý kiến góp ý của các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là trong xây dựng chương trình không đưa ra các chỉ tiêu xa vời thực tế mà cần phải bàn những vấn đề thiết thực để nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, cần phải tập trung phân tích để tập trung phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng ngành nghề, từng lĩnh vực để tạo điều kiện phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, bền vững.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung mà chương trình đề cấp như vấn đề nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, tập trung sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nâng cao vai trò chủ thể của người dân và doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Đồng thời quan tâm đến đào tạo, tập huấn, nghiên cứu chuyển giao công nghệ; thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ. Tăng cường quản lý Nhà nước về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông thôn văn minh, nông dân tiến bộ. Cần xác định rõ những mục tiêu cụ thể trong chương trình và có những định hướng đúng, sát với thực tế của tỉnh trong chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trong thời gian tới. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo hoàn thiện vào cuối tháng 5-2021, trình cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghiên cứu và cho ý kiến.

Ngọc Lâm