Thanh Hóa: Đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt I năm 2021

10:31 02/04/2021

Sáng 1-4, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Đợt I năm 2021 có 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đề nghị đánh giá, xếp hạng và công nhận 15 sản phẩm OCOP, thuộc ngành thảo dược, thủ công mỹ nghệ và thực phẩm.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Hội đồng) chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các thành viên trong Hội đồng đánh giá cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện và các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Tại hội nghị, đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã báo cáo kết quả thẩm định và đánh giá từng sản phẩm theo các tiêu chí OCOP.

(Ảnh: Toàn cảnh hội nghị)

Các sản phẩm được đề nghị công nhận sản phẩm OCOP lần này được đánh giá quy mô sản xuất của các chủ thể đều đạt từ trung bình trở lên và có xu hướng phát triển tốt. Trong đó, các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm đều có phiếu xét nghiệm nguồn nguyên liệu đầu vào và kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra theo các quy định.

Có tổng cộng 15 sản phẩm tham gia đánh giá đợt này, cụ thể: Huyện Yên Định có 1 sản phẩm là miến gạo Phúc Thịnh; huyện Thọ Xuân có sản phẩm tương Xuân Pha; huyện Vĩnh Lộc có sản phẩm chổi đót Nông Phú; thị xã Nghi Sơn có sản phẩm mắm tép đặc biệt Tác Huy; huyện Triệu Sơn có 2 sản phẩm là trà cà gai túi lọc và trà xanh túi lọc; huyện Hoằng Hoá có 2 sản phẩm là mắm tôm, mắm tép Bà Hoan; huyện Hậu Lộc 2 sản phẩm là tổ yến sào và tổ yến chưng; huyện Thiệu Hoá có 2 sản phẩm là bộ sản phẩm trống đồng Quý Châu, bộ sản phẩm trống đồng Toàn Linh; huyện Nga Sơn có 2 sản phẩm là đôn Trống đồng và giỏ Trái đất; TP Thanh Hoá có sản phẩm là nước lau sàn Fuwa.

Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Tổ giúp việc, tại hội nghị các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu, đánh giá và chấm điểm cho các sản phẩm tham gia chương trình.

Sau hội nghị, có 7/15 sản phẩm được các thành viên trong hội đồng thống nhất chấm điểm đạt 3 - 4 sao. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao, gồm: Tổ yến sào, tổ yến chưng của Công ty TNHH Dịch vụ Yến Sào xứ Thanh (Hậu Lộc); giỏ Trái đất của Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (Nga Sơn); 4 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, gồm: Miến gạo Phúc Thịnh (Yên Định), tương Xuân Pha (Thọ Xuân), trà xanh túi lọc (Triệu Sơn) và mắm tép đặc biệt Tác Huy (Thị xã Nghi Sơn).

(Ảnh: Chè xanh nguyên liệu đầu vào của sản phẩm trà túi lọc Triệu Sơn được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh)

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, Tổ giúp việc, các địa phương và chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, chấm điểm đợt I năm 2021. Đồng chí đề nghị, sau hội nghị đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, cần hoàn thiện theo những góp ý của đại biểu tại hội nghị, tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu để thể hiện được tiêu chuẩn vừa được Hội đồng cấp tỉnh công nhận. Đồng thời, giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM phối hợp với các địa phương hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm chưa đạt ở lần chấm điểm đợt 1 năm 2021 tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình và hoàn thiện sản phẩm theo góp ý của các thành viên Hội đồng, tổ giúp việc để sớm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Cùng với đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng sản phẩm OCOP trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng tầm các sản phẩm lợi thế của tỉnh, phấn đấu năm 2021 toàn tỉnh Thanh Hóa có thêm 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ngọc Lâm