Thanh Hóa: Cần tạo sự thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp

17:38 06/12/2020

Tỉnh Thanh Hóa cần tạo sự thân thiện hơn nữa giữa quản lý Nhà nước với doanh nghiệp. Qua đó, tạo niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham gia thảo luận về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham gia thảo luận về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sáng 6/12, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Các đại biểu dự kỳ họp thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng. Đại biểu Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham gia thảo luận về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với mục mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đặc biệt, Thanh Hóa phải là cực tăng trưởng mới nằm trong tứ giác tăng trưởng khu vực phía Bắc, gồm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 4 vấn đề lớn của tỉnh Thanh Hóa, đáng chú ý là làm rõ nguyên nhân những kết quả đạt được trong năm 2020 trước ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19.

Tham gia thảo luận về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều quyết sách, nhiều chủ trương lớn để phát triển kinh tế – xã hội, tạo tiền đề tích cực để nhiệm kỳ mới hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh rất phấn khởi trước những thành tựu của tỉnh đạt được trong cả nhiệm kỳ.

Để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của tỉnh, đại biểu Nguyễn Văn Đệ đề nghị: Tỉnh cần rút ngắn quy trình thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tạo sự thân thiện giữa quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và Nhân dân. Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo sự bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tập trung vào rút ngắn thời gian cấp phép, giảm chi phí và minh bạch các điều kiện theo hướng định lượng, hạn chế chứng minh các điều kiện mang tính định tính. Qua đó, tạo niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh.

Mỗi năm Thanh Hóa thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, vì vậy tỉnh cần có cơ chế, chính sách giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp yếu kém, nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển. Hiện nay, một số doanh nghiệp có tư tưởng tích lũy, không có tư tưởng đầu tư nên chậm trễ trong thực hiện các dự án, tỉnh cần cương quyết thu hồi, xử lý để các nhà đầu tư có tiềm lực có cơ hội đầu tư thực hiện, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực một cách bình đẳng, đặc biệt là tiếp cận vốn và tiếp cận đất đai; đồng thời, chú trọng việc xây dựng chính sách thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như Luật Cạnh tranh một cách phù hợp, khắc phục được những cản trở do hạn chế quy mô nhỏ gây ra.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động… Tăng cường các chính sách hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp cũng cần được quan tâm trong thời gian tới.

Hiền Minh