Tháng đầu năm 2023, tỷ lệ lạm phát của khu vực Đồng tiền chung châu Âu tiếp tục giảm còn 8,5%

20:10 01/02/2023

Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 1/2 báo cáo, tỷ lệ lạm phát của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 1/2023, xuống còn 8,5%.

Lạm phát của Eurozone đang giảm nhanh sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2022, gấp 5 lần so với lạm phát mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Tuy nhiên, ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 2/2, với mức tăng 50 điểm cơ bản, lên 2,5%, do lo ngại tình trạng lạm phát cao trên mức mục tiêu 2% vẫn còn dai dẳng. 

Khu vực đồng euro (tiếng Anh: Eurozone) là một khu vực địa lí kinh tế bao gồm tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã sử dụng đồng euro làm tiền tệ quốc gia. Ảnh minh họa: IT
Khu vực đồng euro (tiếng Anh: Eurozone) là một khu vực địa lí kinh tế bao gồm tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã sử dụng đồng euro làm tiền tệ quốc gia. Ảnh minh họa: IT.

Từ mức cao kỷ lục hai con số, lạm phát của Eurozone tháng 10/2022 là 10,6%, giảm xuống 10,1% trong tháng 11 và xuống một con số còn 9,2% trong tháng cuối cùng của năm 2022.

Bước sang tháng đầu năm 2023, tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ lạm phát của Eurozone vẫn tiếp tục đà giảm, xuống còn 8,5%. Kết quả tháng 1 năm 2023 thấp hơn mức dự báo 9% của công ty dữ liệu tài chính FactSet, chủ yếu nhờ tốc độ tăng giá năng lượng tiếp tục chậm lại.

Dữ liệu của Eurostat cho thấy, giá năng lượng tại khu vực này đã "hạ nhiệt" trong tháng 1 vừa qua, chỉ tăng 17,2%, thấp hơn so với mức tăng 25,5% của tháng 12/2022. Tuy nhiên, giá thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá trong tháng 1/2023 đã tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 13,8% của tháng 12/2022. Lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, duy trì ở mức 5,2%, không đổi so với tháng 12/2022.

Trong số 20 quốc gia sử dụng đồng euro, Luxembourg và Tây Ban Nha có tỷ lệ lạm phát thấp nhất, đều đạt mức 5,8% trong tháng 1/2023. Một loạt dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi trong những tuần qua đã làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế châu Âu sẽ phục hồi tốt hơn sau những cú sốc kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Eurozone dường như có thể tránh được suy thoái trong mùa Đông này sau khi ghi nhận mức tăng trưởng mong manh 0,1% trong quý IV/2022.

Cũng theo số liệu từ Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone vẫn ổn định trong tháng 12/2022 ở mức 6,6%.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã phát ra tín hiệu vui, khi lần đầu tiên sau 6 tháng, nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Chỉ số Flash PMI (chỉ số dự báo trước chỉ số PMI - chỉ số nhà quản trị mua hàng) của Eurozone trong tháng 1 đã tăng lên 50,2 điểm so với 49,3 điểm trong tháng 12/2022. Chỉ số PMI ở mức trên 50 điểm biểu hiện sự tăng trưởng. 

Ảnh minh họa

Trước việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, các nỗ lực khắc phục khủng hoảng của nền kinh tế, các quốc gia châu Âu đã được hưởng lợi từ các chính sách kiềm chế lạm phát và chính sách mở cửa trở lại nền kinh tế. Những tín hiệu này đã đẩy tinh thần lạc quan cho các quốc gia trong những ngày đầu năm 2023.

Nước Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone, cũng được hưởng lợi từ lực từ chuỗi cung ứng được nới lỏng, giúp ngành sản xuất của nước này. PMI tổng hợp tại Đức đã tăng từ 49 điểm trong tháng 12/2022 lên 49,7 điểm trong tháng 1. Tuy nhiên, sản lượng ở Pháp trong tháng 1 lại giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp do hoạt động dịch vụ giảm mạnh.

Sản lượng của các nước thành viên còn lại trong Eurozone (gồm 20 quốc gia sau khi Croatia gia nhập vào tháng 1) cũng tăng trưởng trở lại.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đầu năm 2023 đã bày tỏ hy vọng nền kinh tế Eurozone sẽ phát triển "tốt hơn rất nhiều" so với lo ngại ban đầu, với dự báo về "suy giảm chút ít" thay vì suy thoái.

D.A (T/h)