Tháng "chạy nước rút" của toàn ngành bảo hiểm xã hội

08:52 05/12/2020

Trong tháng 12/2020, toàn quốc cần phát triển thêm 1,35 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (để đạt tỷ lệ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Bên cạnh đó, phát triển thêm trên 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số); và thêm trên 1,12 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo báo cáo tổng hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính đến hết tháng 11/2020, toàn quốc có trên 15,88 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (đạt 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), trên 13,18 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi); và số người tham gia bảo hiểm y tế là trên 87 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 89,2% dân số).

 Bảo hiểm xã hội các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động trực tiếp vào các nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình. 

Trong tháng, toàn ngành cũng đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng cho 13.171 người; chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần cho 90.891 người; chế độ ốm đau, thai sản và dưỡng sức - phục hồi sức khỏe cho 816.270 lượt người; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 84.410 người; chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 16.507 triệu lượt người.

Về Bảo hiểm y tế, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ cho biêt: 3 địa phương đã có được sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người dân trên địa bàn tham gia Bảo hiểm y tế là Cần Thơ, Bình Dương, Tp.HCM. Có 9 địa phương đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm mua tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Các địa phương cũng thực hiện rà soát các nhóm đối tượng tiềm năng tham gia Bảo hiểm y tế. Kết quả cho thấy, trong 10 ngày (từ 20 - 30/11), số người tham gia Bảo hiểm y tế đã tăng lên gần 500.000 người. Kết quả này là điều kiện khá lạc quan cho mục tiêu phát triển trên 1,1 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế trong tháng 12/2020 để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số năm 2020.

Với tổng số tiền nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đang chiếm khoảng 5,3% số phải thu, ông Hào cho biết, Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng đang nỗ lực tăng cường đôn đốc thu nợ tại các doanh nghiệp. 

Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính các tỉnh, thành phố để nhanh chóng chuyển số kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các nhóm được hỗ trợ. Bảo hiểm xã hội các địa phương cam kết sẽ giảm số nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là số nợ từ ngân sách nhà nước xuống mức thấp nhất.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, tháng 12 là tháng "chạy nước rút" của toàn ngành để hoàn thành kế hoạch được giao. Với đà nỗ lực của toàn ngành hiện nay, người đứng đầu ngành Bảo hiểm xã hội lạc quan về việc hoàn thành kế hoạch thu. 

Đồng thời, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội đề nghị sự nỗ lực 150% và hơn thế nữa từ các đơn vị, địa phương, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2020.

Để sớm "cán đích" các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 trong tháng "nước rút", ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động trực tiếp vào các nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình. Ngoài ra, tập trung triển khai các hoạt động chăm sóc khách hàng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, đăng ký, sử dụng ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số trên thiết bị di động.

Về mục tiêu phát triển 1,35 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, hiện Bảo hiểm xã hội các địa phương đã phân công cụ thể đối với từng lãnh đạo, cán bộ trong công tác rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế, cơ quan quản lý lao động, kế hoạch đầu tư để phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc; phối hợp chặt chẽ với các đại lý thu ưu tiên tuyên truyền, vận động nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Người đứng đầu ngành Bảo hiểm xã hội cho rằng, bằng mọi cách hoàn thành kế hoạch được giao và yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương đánh giá kế hoạch thu có khả năng hoàn thành; đồng thời đề nghị toàn ngành nỗ lực hơn nữa, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020.

Chủ động, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng, đơn vị chưa tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia chưa đủ số lao động; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; trường hợp cố tình vi phạm kéo dài, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (phấn đấu giảm số tiền nợ phải tính lãi của toàn ngành năm 2020 xuống mức thấp nhất).

Bên cạnh đó, nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành, kiểm soát dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo thực hiện trong dự toán năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

An Thảo

Tags: