Tháng ba về làng Thu Bồn xem lễ hội

22:00 13/03/2022

Tháng 3 (dương lịch) hằng năm, tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có một Lễ hội rất độc đáo thu hút hàng vạn người đến dâng hương, tham quan, trải nghiệm… Lễ hội này vừa mang ý nghĩa tôn vinh “Bà mẹ xứ sở”, vừa giao thoa giữa văn hoá Việt – Chăm – Cơ tu. Đó là “Lễ hội Lăng Bà Thu Bồn”.

Ảnh minh họa
 Lễ hội Thu Bồn mang ý nghĩa tôn vinh “Bà mẹ xứ sở”.

Theo các bậc cao niên trú làng Thu Bồn cho hay, “Bà Thu Bồn” có nhiều truyền thuyết, nhưng thuyết phục hơn cả là câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở làng Thu Bồn như sau: Bà Thu Bồn hay còn gọi là bà Bô Bô - một vị nữ tướng của nhà Lê bị giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn thì bị ngã ngựa do tóc bà bị quấn vào chân ngựa nên bà bị giặc giết. Về sau bà đã được các Vua triều Nguyễn sắc phong là “Bô Bô phu nhân Thượng đẳng thần”. Có lẽ chính vì vậy mà những người dân nơi đây truyền tụng những truyền thuyết về Bà mẹ xứ sở mang màu sắc màu thần bí nhưng luôn là biểu tượng của cái đẹp, của khát vọng thái bình. Cư dân ở đây cảm phục lập lăng thờ ngay trên mộ bà và mở hội tế lễ hàng năm vào 2 ngày 11 và 12 tháng 2 (âm lịch) hằng năm.

Việc tổ chức Lễ hội Lăng Bà Thu Bồn là để tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no, thịnh vượng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, từ đường làng, sân vận động, lăng Bà đến bãi sông. 

Ảnh minh họa
Trâu tế thiêng có da màu đỏ.

Thu Bồn đều tấp nập rừng người kéo về đây trẩy hội. Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Kinh và Cơ tu sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam).

Trước những năm dịch Covid-19 hoành hành, tôi có dịp tham dự Lễ hội Lăng Bà Thu Bồn đều đặn. Thú vị nhất là Lễ Rước nước.Theo đó, đúng 3h sáng ngày 12, tiếng trống đã giục mọi người chuẩn bị ghe thuyền ngược dòng sông Thu Bồn lên phường Rạnh lấy nước. Đến 5 giờ sáng, thuyền đến Dinh bà thuộc thôn Trung An, Quế Trung (Nông Sơn). Tại đây, các vị bô lão tiến cùng phường bát âm phát nhạc lễ ra giữa dòng Thu Bồn cúng tế và lấy nước mang về. 

Ảnh minh họa
Đội đua ghe nữ trên sông Thu Bồn nhân ngày lễ hội.

Sau đó, thuyền lại xuôi dòng đến 8h thuyền về bến, “trên bến dưới sông” đã đông nghịt người chờ đón đám rước với năm chiếc kiệu“Ngũ hành tiên nương”và năm mâm ngũ quả đẹp nhất do 5 người con gái đẹp nhất bưng theo. Đám rước nước với khoảng 500 người từ người già đến các em thiếu niên trong trang phục sắc màu đẹp mắt đi từ bãi cát bờ sông lên làng vào trước lăng Bà. Và kết thúc ở lễ đại tế tại lăng Bà với khói trầm, hương nghi ngút hòa quyện với giọng văn tế lễ huyền bí bao phủ con trâu nghé rất to mà bên ngoài da được phết máu trâu có màu đỏ, hai bên sừng có cặm hai cây đèn cầy, trông rất huyền bí và ấn tượng.

Lúc bấy giờ, trên bãi cát lớn của bờ sông Thu Bồn, hơn 500 con người trong trang phục truyền thống dân tộc, mang cờ ngũ sắc, với những kiệu ngũ hành tiên nương, dân vũ Chăm tiến ra bờ bãi. Chuẩn bị lễ cúng tiên thường, chức sắc cử người chèo thuyền ra giữa sông Thu Bồn để lấy nước rồi đặt lên kiệu, có đầy đủ các đồ nghi trượng, rước về lăng để tắm rửa thần vị và làm nước cúng. Ngoài bờ bãi, trên dòng sông, không gian như bồng bềnh theo sóng nước sông Thu hoà quyện với tiếng trống giục, tiếng hò reo để chuẩn bị cuộc đua thuyền truyền thống.

Song song với công đoạn Rước nước, đua ghe, khu vực Lăng Bà, sôi nổi với các trò chơi dân gian như: Cờ người, hát bài chòi với lời ca dân dã xứ Quảng. Khu chợ ẩm thực, các trò chơi nằm khu vực sân bóng với các loại bánh trái, thức ăn, đặc biệt là cháo lươn, mì Quảng,

bánh tráng đập… Đặc biệt, những hàng quán gần lăng Bà có bán món đặc sản mì Quảng có nhưn cá mòi sông để phục vụ bà con và du khách. Các món mì Quảng nhân cá mòi um, gỏi cá mòi, ram cá mòi, chả cá mòi chiên thơm ngon và đầy hương vị đặc trưng đã làm vấn vương bước chân du khách.

Đến với Lễ hội Dinh bà Thu Bồn làm tôi nhớ mãi. Đó là mùi hương trầm thơm ngát khi cúng Bà hòa quyện với mùi chiên bánh gừng dâng lễ thơm ngát lan tỏa ra không gian lễ hội. Trong phần lễ cúng Bà Thu Bồn hàng năm luôn luôn có món bánh củ gừng bởi nó được Hội phụ nữ các thôn ở xã Duy Tân thực hiện và quảng diễn ngay tại khu vực Dinh Bà.

Kết thúc lễ hội là cuộc đua ghe truyền thống của các đội nam, nữ mặc áo quần nhiều màu sắc đẹp mắt in trên làn nước trong xanh và hàng trăm ghe thuyền “lênh đênh” trên sông hò reo, cổ vũ. Điều đặc biệt là lúc bấy giờ có hàng trăm ghe thuyền của cư dân vừa chèo thuyền nhỏ vừa bán hàng trăm món ăn như bắp nướng, bắp luộc, mì Quảng, các loại bánh trái hoa quả đặc sản vùng Duy Xuyên- Đại Lộc trông xa không khác gì chợ nổi ở sông nước miền Tây.

Theo thông tin của ngành chức năng, vì lý do đại dịch Covid-19 diến biến phức tạp nên các năm 2020, 2021, Lễ hội Lăng Bà Thu Bồn tổ chức nhỏ và không có phần hội. Dự kiến năm nay (2022), lễ hội sẽ được tổ chức lớn cùng với việc rước Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Vừa qua, UBND huyện Duy Xuyên vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn. Theo đó, quy mô Lễ đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức vào ngày 14-3 (12-2 âm lịch) tại khu vực Lăng Bà Thu Bồn (thôn Thu Bồn Tây, xã Duy Tân). Lễ hội sẽ có một số hoạt động văn hóa- thể thao truyền thống. Theo đó, trong các ngày 12,13 và 14-3 (ngày 10, 11, 12-2 ÂL) sẽ diễn ra các hoạt động giải bóng chuyền nam, nữ; Hội thi nữ công gia chánh; Trưng bày sản phẩm OCOP và các sản vật quê hương; Hội hát bài chòi; Biểu diễn dân ca kịch Quảng Nam; Thả hoa đăng trên sông Thu Bồn; Giải đua thuyền nam, nữ. Ngày 14-3 tại khu vực Lăng Bà Thu Bồn sẽ diễn ra lễ đón Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn

Theo Tạp chí Làng nghề Việt Nam