Tham quan các địa điểm tổ chức Thế vận hội Tokyo

11:17 09/08/2021

Mặc dù Thế vận hội Tokyo diễn ra trong điều kiện đặc biệt nhưng tin tốt là, rất nhiều công trình kiến trúc xây dựng riêng cho Olympic sẽ được lưu giữ trong thời gian dài sau khi sự kiện kết thúc. Trong tương lai, khi các nước mở cửa trở lại biên giới, người hâm mộ thể thao có thể đến tham quan nơi các vận động viên yêu thích tranh chức vô địch.

Nội đô Tokyo

Phần lớn các sự kiện Olympic được tổ chức bên trong và xung quanh thủ đô của Nhật bản với ý tưởng tận dụng các kiến trúc mới đưa vào phục vụ lợi ích của người dân sau này.

Sân vận động quốc gia Nhật Bản 

Sân vận động Quốc gia
Sân vận động Quốc gia. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi) 

Tọa lạc ở khu Shinjuku nổi tiếng, sân vận động Quốc gia nổi tiếng Tokyo là nơi tổ chức cả lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội cũng như hầu hết các giải điền kinh. Đây là sân vận động được tái xây dựng sau năm 2016 thay thế cho địa điểm bị phá bỏ trước đó.

Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Kengo Kuma, đồng thời là Giáo sư kiến ​​trúc tại Đại học Tokyo, đã thiết kế biểu tượng mới, là trung tâm của Thế vận hội. Sân vận động có sức chứa 68.000 người và sử dụng số gỗ khổng lồ từ 46 trong số 47 tỉnh thành của nước Nhật. Tại sân vận động Quốc gia Tokyo, không thiếu những khoảnh khắc chiến thắng lịch sử, như trận chung kết nhảy cao đầy cảm xúc, vận động viên Gianmarco Tamberi của Ý và Mutaz Essa Barshim của Qatar đã cùng đạt huy chương vàng. Để có tầm nhìn tuyệt vời, hãy đến đài quan sát Shibuya Sky tại tòa nhà Shibuya Scramble Square.

Đấu trường Ariake 

Trận đấu bóng chuyền diễn ra trên sân Ariake
Trận đấu bóng chuyền diễn ra trên sân Ariake. (Ảnh: Yuri Cortez) 

Nằm ở phía tây nam Tokyo, tòa nhà kiểu cách này đã tổ chức tất cả các trận đấu bóng chuyền trong Thế vận hội Tokyo 2020. Vào hôm Chủ nhật, đội bóng chuyền nữ của Mỹ đã đánh bại Brazil để giành Huy chương Vàng trong ngày cuối cùng của Thế vận hội. Sau khi sự kiện kết thúc, đấu trường sẽ hoạt động như một trung tâm cộng đồng địa phương và là địa điểm tổ chức sự kiện có thể chứa tới 12.000 người.

Musashino Forest Sport Plaza

Có diện tích 30.000 mét vuông (323.000 feet vuông), Musashino Forest Sport Plaza nằm ở Chofu, phía Tây thủ đô nổi bật với mái nhà màu trắng và bạc. Nơi này được chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện cầu lông và năm môn phối hợp hiện đại trong Thế vận hội. Tại đây, đoàn Trung Quốc dẫn đầu với sáu huy chương, trong đó có hai huy chương vàng. Các quan chức Toluo cho biết Musashino Forest Sport Plaza sẽ được tái sử dụng làm điểm tổ chức đa năng các cuộc thi thế thao và sự kiện giải trí lớn.

Trung tâm Thể thao dưới nước Tokyo

Được xây dựng đặc biệt cho Thế vận hội 2020, Trung tâm Thể thao dưới nước Tokyo nằm bên trong công viên ven bờ biển, Tatsumi-no-mori, một không gian xanh nổi tiếng, nơi người dân địa phương có thể chơi gôn mini hoặc đơn giản là tận hưởng mùa thu thay lá.

Như tên gọi, nhiều môn thể thao liên quan tới nước như lặn và bơi lội đã diễn ra tại đây trong suốt mùa Thế vận hội với nhiều khoảnh khắc lịch sử. Đội tuyển Mỹ ghi dấu ấn giành được huy chương vàng và phá kỷ lục thế giới trong trận chung kết tiếp sức nam. Trong khi đó, vận động viên bơi lội người Mỹ, Katie Ledecky tái khẳng định vị thế của mình là vận động viên có thể thi đấu hầu hết các nội dung, bao gồm cả hai cự ly ngắn và dài. Ledecky xuất sắc có được huy chương vàng cự ly 1500m và 800m tự do và giải bạc ở nội dung tiếp sức 400 mét. Hiện nữ vận động viên có trong tay tổng cộng 10 huy chương qua ba kỳ Thế vận hội.

Sau Thế vận hội, Trung tâm Thể thao dưới nước Tokyo sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện đồng thời hoạt động như một trung tâm bơi lội cho người dân Tokyo.

Đường chèo quốc tế Sea Forest Waterway

Là nơi tổ chức các sự kiện chèo thuyền đỉnh cao, đường chèo được xây dựng đặc biệt xuyên suốt các kênh đào giữa hai hòn đảo nhân tạo trên Vịnh Tokyo. Khi kết thúc sự kiện, nơi này dự kiến mở rộng cho các cuộc thi chèo thuyền quốc tế hay mở cửa cho công chúng như một khu vực giải trí. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng biểu tượng Tokyo Gate Bridge nổi tiếng ở cuối đường đua.

Sân vận động khúc côn cầu

Vị trí đắc địa được ưu ái dành cho bộ môn khúc côn cầu nằm bên trong công viên thể thao hàng đầu Oi Central Seaside Park dọc theo con sông Sumida. Đây là địa điểm ngắm hoàng hôn yêu thích của người dân địa phương. Giới chức cho biết sẽ có rất nhiều bộ môn khác ngoài khúc côn cầu được tổ chức tại đây trong thời gian tới.

Nippon Budokan

Địa điểm thi đấu judo ở Chiyoda được gọi là Budokan, có nghĩa là Võ đường, xây dựng vào năm 1964 lần đầu tiên Tokyo đăng cai Thế vận hội. Tại Thế vận hội năm nay, Budokan vinh dự là nơi thi đấu môn karate. Tại đây, vận động viên Ryo Kiyuna của Nhật Bản đã ghi tên vào lịch sử Olympic ngày 6 tháng 8, trở thành vận động viên giành huy chương vàng đầu tiên trong nội dung đấu võ nam.

Làng vận động viên Olympic và Paralympic

Được xây dựng trên diện tích 33 mẫu Anh ở quận Harumi của Tokyo, Làng vận động viên dự kiến sẽ có một diện mạo mới sau khi các sự kiện thể thao kết thúc. Những chiếc giường sẽ bị dỡ bỏ và toàn bộ khu phức hợp chuyển thành căn hộ, đáp ứng nhu cầu nhà ở của một thành phố đông dân như Tokyo. Theo người phát ngôn của Thế vận hội, sẽ có khoảng 5.650 căn hộ chung cư được rao bán.

Ngoại ô Tokyo

Bãi biển lướt sóng Tsurigasaki 

Lướt sóng trên biển
Lướt sóng trên biển Tsurigasaki . (Ảnh: Olivier Morin) 

Bộ môn lướt sóng lần đầu tiên xuất hiện tại Thế vận hội Tokyo và Tsurigasaki ở quận Chiba được chọn làm nơi đăng cai do nguồn sóng tự nhiên và gần Tokyo. Chính tại đây, vận động viên Carissa Moore của Hoa Kỳ đã làm nên lịch sử khi trở thành nhà vô địch thế vận hội lướt ván đầu tiên dành cho nữ.

Tsurigasaki vốn rất nổi tiếng trong giới lướt sóng Nhật Bản và trên toàn thế giới. Dọc theo bờ biển là các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng cho thuê dụng cụ hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn có một kỳ nghỉ đúng nghĩa hậu đại dịch.

Makuhari Messe

Tae kwon do, đấu vật và đấu kiếm nằm trong số các sự kiện được tổ chức tại Makuhari Messe trong Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Trung tâm hội nghị ở quận Chiba này thường xuyên tổ chức các sự kiện toàn cầu như buổi công diễn của Lady Gaga. Gable Steveson của đội tuyển Hoa Kỳ chắc chắn sẽ ghi nhớ quãng thời gian của anh ở Makuhari Messe, nơi anh đã đánh bại Geno Petriashvili của Georgia để giành huy chương vàng trong trận chung kết hạng 125 kg nam ngày 6 tháng 8.

Cảng du thuyền Enoshima

Cảng Enoshima là một trong những địa điểm được vinh danh tại Olympic năm nay. Không chỉ được xây dụng phục vụ riêng cho Thế vận hội Tokyo 1964 mà đây còn là nơi cất giữ Ngọn lửa Olympic trước giờ khai mạc. Sau Thế vận hội, cảng sẽ tiếp tục mở cửa cho những người đam mê thể thao dưới nước.

Saitama Super Arena

Tự hào với thiết kế mái vòm có thể chuyển động, Saitama Super Arena nổi bật là một trong những địa điểm đa năng lớn nhất Nhật Bản chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc, hội nghị và nhiều sự kiện khác ngoài thể thao. Nằm ở phía bắc Tokyo, tỉnh Saitama, đội tuyển nữ của Mỹ đã giành được huy chương vàng cho riêng mình tại đây, đánh bại Nhật Bản trong trận đấu cuối cùng.

Sân vận động Saitama

Là sân vận động bóng đá lớn nhất ở Nhật Bản, Saitama thích hợp để tổ chức các trận bóng đá Olympic đồng thời là nơi đăng cai World Cup 2002. Người dân Canada có thể muốn đến đây để sống lại khoảnh khắc đất nước giành huy chương vàng trong trận chung kết kịch tính với Thụy Điển. Sau hai hiệp phụ và loạt luân lưu, Julia Grosso của Canada đem về chiến thắng vinh quang, giành tấm huy chương vàng đầu tiên cho đất nước ở môn bóng đá nữ.

Sân vận động bóng chày Yokohama

Bóng chày là ngành kinh doanh lớn ở Nhật Bản và Thế vận hội 2020 đánh dấu sự trở lại của bộ môn thể thao này. Hoàn thành vào năm 1978, sân vận động bóng chày Yokohama sẽ là nơi lưu giữ dấu ấn đêm thứ bảy khi Mỹ đối đầu với Nhật Bản giành huy chương môn bóng chày. Cuối cùng đội chủ nhà đã vượt lên dẫn trước, đánh bại Mỹ với tỷ số 2-0. Trong thời gian còn lại của năm, sân vận động đồ sộ nằm ở phía Nam Tokyo sẽ là nơi đội bóng chuyên nghiệp Yokohama DeNa Baystars thi đấu phục vụ hàng chục nghìn người hâm mộ.

Trung tâm đào tạo quốc gia J-Village (Fukushima)

Chủ đề của Thế vận hội Tokyo là “phục hồi”. Để tôn vinh điều đó, lễ rước đuốc Olympic đã bắt đầu tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia J-Village ở phía đông Fukushima, đây là nơi hoạt động đầu tiên của đội giải cứu sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011. Nằm ở phía Đông bắc vùng Tohoku của Nhật Bản, nơi này đã được chuyển đổi thành một trung tâm cộng đồng và địa điểm huấn luyện thể thao.

Công viên Sapporo Odori

Trên hòn đảo Hokkaido, cực bắc của Nhật Bản, công viên Sapporo Odori là một điểm đến nổi tiếng nhờ lễ hội mùa đông hàng năm. Năm nay, công viên đã tổ chức các sự kiện chạy marathon. Vào ngày cuối cùng của Thế vận hội, huyền thoại Eliud Kipchoge của Kenya đã giành Huy chương Vàng ở nội dung marathon nam, vượt qua vạch đích với thời gian 2:08:38 để giành huy chương Olympic thứ tư trong sự nghiệp.

TL