Thái Nguyên: Tiềm năng từ phát triển chè vụ Đông

12:33 21/02/2021

Nhằm nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống, người dân trông chè tỉnh Thái Nguyên những năm qua đã mạnh dạn thay thế giống chè và ứng dụng khoa học kỹ thuật để cho ra giống chè vụ Đông mới lạ.

Với nhu cầu thị trường tăng cao vào những dịp cuối năm thì việc cho ra giống chè vụ Đông của người dân Thái Nguyên rất được đón nhận. Đặc biệt, chè vụ Đông có chất lượng tốt, vị đậm thơm ngon nên đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn khi có giá bán cao hơn từ 2 đến 2,5 lần chè chính vụ.

 Những năm gần đây, sản xuất Chè Thái Nguyên vào vụ Đông đang được bà con trồng chè quan tâm.

Những năm gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Toàn tỉnh hiện có trên 22.000 ha chè, trong đó, diện tích chè sản xuất vụ Đông chiếm hơn 40%.

Thay vì sử dụng thuốc trừ cỏ và phân hóa học thì nay, người dân dùng máy cắt cỏ, sau đó vùi tại rãnh trồng chè để hạn chế tối đa cỏ mọc và giữ ấm cho đất, đồng thời, sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh để bón cho cây chè. Thêm vào đó, bà con ứng dụng hệ thông tưới tiêu bằng van xoay để giảm chi phí nhân công lại đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cây chè, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung cải tạo, trồng thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới, chất lượng cao như: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên… đưa diện tích trồng chè giống mới chiếm hơn 70%. Đẩy mạnh sản xuất chè vụ Đông đang là mục tiêu Thái Nguyên hướng tới, đây cũng là một trong những định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Nếu như trước đây, chè chính vụ thường kết thúc vào cuối tháng 9, thì nay do chăm sóc tốt, nhiều diện tích chè vụ Đông ở Thái Nguyên vẫn cho thu hoạch. Ở nhiều xã vùng chè trong tỉnh Thái Nguyên như: Văn Hán (Đồng Hỷ), Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ), Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), Phúc Thuận, Phúc Tân, Thành Công (T.X Phổ Yên)…, chè vụ Đông cũng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Điều đặc biệt là nếu như trước đây, chỉ những diện tích gần sông, suối, ao hồ người dân mới tập trung làm chè vụ đông thì nay bà con đã chủ động khoan giếng, đào bể tích trữ nước để tưới chè.

Trung bình, 1 lứa chè chính vụ chỉ sau 30-35 ngày là được thu hái nhưng chè vụ đông phải mất 40-45 ngày. Bù lại, chè vụ Đông ít sâu bệnh, có hương vị đặc biệt. Với giá bán trung bình 250 nghìn đồng/1kg, cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với chè chính vụ, sản xuất chè vụ Đông đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Làm chè vụ Đông có ưu điểm cây chè ít sâu bệnh, không cần phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng chè thường ngon hơn, bán được giá cao hơn

Việc người dân tận dụng các điều kiện để sản xuất chè vụ Đông đã góp phần nâng cao thu nhập, đồng thời, đảm bảo cung cấp hàng hóa cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Trung Hiếu