Thách thức với cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán

00:00 12/10/2020

Bất chấp những nỗ lực đối phó dịch viêm phổi cấp, giới chuyên gia vẫn bỏ ngỏ khả năng kiềm chế virus lây lan do thiếu thông tin từ Trung Quốc.

Lệnh phong tỏa trên quy mô lớn chưa từng có được Trung Quốc áp dụng tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV), khiến hơn 50 triệu người bị cách ly. Chính phủ đóng cửa trường học và các chợ động vật sống. Các sân bay trên toàn cầu cũng quét nhiệt những hành khách tới từ quốc gia đông dân nhất thế giới.

Một số nước như Pháp, Hàn Quốc, Morocco, Anh, Đức, Canada và Nga tiếp tục thực hiện hoặc xem xét sơ tán công dân khỏi Vũ Hán, nơi dịch khởi phát. Philippines quyết định dừng cấp mới visa nhập cảnh tại chỗ cho khách Trung Quốc để giảm bớt các đoàn du khách từ nước này. Hong Kong tiến hành loạt biện pháp hạn chế giao thông mạnh tay nhằm ngăn dòng người từ Trung Quốc đại lục tới đặc khu.

Tuy nhiên, ba tuần sau khi dịch viêm phổi trở thành cuộc khủng hoảng y tế và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, giới chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, ngay cả trong tương lai gần. 

Bác sĩ xem ảnh chụp CT phổi của bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 30/1. Ảnh: AFP.

Bác sĩ xem ảnh chụp CT phổi của bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 30/1. Ảnh: AFP.

Một số dấu hiệu ban đầu không khả quan khi 6 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã xác nhận sự lây nhiễm của virus nCoV từ người sang người, khiến khả năng ngăn chặn dịch bệnh trở nên đáng lo ngại. Các ca bệnh ở Trung Quốc tăng lên theo cấp số nhân, trong khi 5 triệu dân Vũ Hán đã rời thành phố trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực hôm 23/1. Trong số họ chắc chắn có người mang mầm bệnh.

"Chủng virus này thực sự có khả năng không thể ngăn chặn", cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden cảnh báo.

Các quan chức y tế công cộng hôm 28/1 cho biết họ đang vật lộn với một loạt câu hỏi như mức độ đe dọa tính mạng của nCoV, mức độ lây truyền, liệu nó có lây nhiễm thông qua những người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng hay không, hoặc khả năng kiềm chế dịch bệnh trên quy mô lớn tại Trung Quốc. Đây là những cơ sở giúp xác định mức độ thành công trong công tác đẩy lùi dịch bệnh.

"Thật đáng sợ khi thấy những con số tăng lên nhanh chóng", Trish Perl, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm và y học nhiệt đới thuộc Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas, Mỹ, cho hay. "Tôi thấy lo lắng trước tình trạng này và nghĩ rằng dịch bệnh khó kiểm soát, nhưng vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ ràng".

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar trấn an công chúng rằng hầu như chưa có trường hợp nào ở Mỹ gặp mối nguy hiểm tiềm tàng, nhưng thừa nhận họ "chưa biết hết những điều cần thiết về chủng virus mới".

Giới chuyên gia không chắc liệu sự gia tăng số ca bệnh có nghĩa là virus đang hoành hành ở Trung Quốc, hay chính quyền nước này đang giám sát và xét nghiệm kỹ càng hơn, hoặc cả hai. Các nhà nghiên cứu cũng muốn biết thêm về giai đoạn ủ bệnh, hiện ước tính từ hai đến 14 ngày, cũng như mức độ nghiêm trọng của các trường hợp.

 

Các nước có bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán

Việc phác họa chính xác tình hình và dự đoán tương lai dịch bệnh của các nhà nghiên cứu gặp khó khăn một phần bởi dữ liệu giới chức Trung Quốc công bố không hoàn chỉnh. Họ chia sẻ thông tin khi phát hiện ca bệnh mới, nhưng không nêu rõ các trường hợp nhiễm bệnh từ khi nào.

Hiện có hơn 9.800 ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới và 213 người chết. Đây là con số lớn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong do các chủng virus corona trước đây như bệnh SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông). Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ tử vong do nCoV mới chỉ hơn 2%, trong khi SARS là 10% và MERS là 35%.

Virus nCoV được cho là không dễ lây nhiễm như virus sởi, loại có thể tồn tại tới hai giờ trong không khí sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Chủng virus mới này cũng không thể so sánh với mối đe dọa từ bệnh cúm mùa, khiến ít nhất 8.200 người chết tại Mỹ trong mùa dịch hiện nay.

Một số chuyên gia còn trấn an dư luận rằng hiện không có ca bệnh nào bên ngoài Trung Quốc được cho là nghiêm trọng, cũng chưa có trường hợp tử vong nào ngoài lãnh thổ quốc gia này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cảnh báo tỷ lệ tử vong hiện nay có thể không mang nhiều ý nghĩa, bởi những trường hợp nghiêm trọng nhất trong các dịch bệnh thường xuất hiện sớm, sau đó giảm dần khi biện pháp y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe được tăng cường.

Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết virus nCoV có thể đã âm thầm lan truyền suốt nhiều tuần tại Vũ Hán trước khi công chúng chú ý. Jennifer Nuzzo, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, bổ sung thêm rằng những người có triệu chứng nhẹ rất dễ bị bỏ qua, khiến các biện pháp kiểm soát trở nên khó khăn.

Các chuyên gia không chắc liệu những bệnh nhân không có triệu chứng có thể lây truyền virus hay không. Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Mã Hiểu Vĩ cảnh báo giới chức toàn thế giới rằng Bắc Kinh có bằng chứng cho thấy nCoV đang lây lan theo con đường này. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nghi ngờ kết luận đó, nói thêm rằng họ chưa thấy dữ liệu chứng minh và đề nghị Trung Quốc công bố nếu có.

"Ngay cả khi có một số trường hợp lây bệnh theo cách này, trong toàn bộ lịch sử của virus gây bệnh đường hô hấp, nhiễm bệnh thông qua người không có triệu chứng chưa bao giờ là nguyên nhân khiến dịch bùng phát. Người gây ảnh hưởng tới dịch bệnh luôn là bệnh nhân có triệu chứng", Fauci giải thích.

Giới chức Mỹ hiện cách ly bệnh nhân nhiễm virus nCoV trong bệnh viện. Tuy nhiên, đây có thể không phải biện pháp thực tế nếu có nhiều trường hợp nhiễm bệnh khác. Chuyên gia Nuzzo cho rằng những ca bệnh nhẹ tốt hơn nên được cách ly tại nhà.

Trung Quốc hôm 28/1 đồng ý để một nhóm chuyên gia của WHO tới nước này nhằm nghiên cứu virus nCoV, tăng cường hiểu biết về dịch bệnh, từ đó dẫn dắt các nỗ lực phản ứng trên toàn cầu.

 Ánh Ngọc (Theo Washington Post)