Tết Táo quân: Một phong tục tín ngưỡng đẹp

23:55 23/01/2022

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà lại chuẩn bị một mâm cỗ chay hoặc là mâm cỗ mặn, cá chép (còn sống hoặc bằng giấy) và hương hoa để cúng ông Công, ông Táo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Lễ vật cúng Táo quân gồm có: Mũ ông Công ba cỗ: Hai mũ của hai Táo ông và một mũ của Táo bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn), lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

Một trong những vật phẩm không thể thiếu trong lễ cúng ông Công ông Táo chính là cá chép, tượng trưng cho phương tiện giúp đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời. Một số gia đình có thể mua cá chép giấy (đốt cùng vàng mã sau khi cúng), tuy nhiên phần lới các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lêxong sẽ đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hoá rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về Trời. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hoá rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị thần Táo là những vị thần định đoạt cát – hung, phước đức cho cả gia đình. Tất nhiên, những việc phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình được nhiều may mắn, nên hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiền đưa ông Công, ông Táo lên chầu Trời một cách long trọng. Đây là một trong những phong tục, tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện.

Ái Hoa