Tập trung xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế

10:07 12/03/2021

Tính riêng trong năm 2020, ngành Thuế đã phát hiện 162 trường hợp vi phạm về hóa đơn, đồng thời chuyển cơ quan công an điều tra xử lý.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, giám sát các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế.

Thời gian qua, toàn ngành Thuế đã thường xuyên chỉ đạo hệ thống thuế các cấp tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Để đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm về mua bán hóa đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, toàn ngành Thuế đã tổ chức nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Đồng thời, thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý và thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan quản lý nhà nước khác như Cơ quan giám sát Ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước...; đơn thư tố cáo; phương tiện thông tin truyền thông... Giám sát chặt chẽ đối với người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn, kiểm soát việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn theo chế độ quy định; kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước.

 Tính riêng trong năm 2020, ngành Thuế đã phát hiện 162 trường hợp vi phạm về hóa đơn.

Ngành Thuế cũng tăng cường rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng internet, mạng xã hội như trang cá nhân trên Facebook, email, điện thoại… xác định danh tính, địa chỉ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của cá nhân, tổ chức rao mua bán, cung cấp hóa đơn bất hợp pháp trên địa bàn địa phương, qua đó cung cấp, chuyển thông tin các đối tượng này sang cho cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ.

Tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại mà người nộp thuế giao dịch để đề nghị cung cấp thông tin về giao dịch, chứng từ thực tế thanh toán qua ngân hàng để làm cơ sở xử lý về thuế, thanh tra, kiểm tra các trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn thuế, mua bán hóa đơn, xử lý theo quy định.

Đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư ngỏ... để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng  doanh nghiệp và xã hội, đấu tranh với hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, mua bán hóa đơn. Đặc biệt, cơ quan Thuế các cấp đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan công an đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. 

Trong quá trình quản lý thuế, giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng của kỳ thuế tháng 7/2019, Cục Thuế Phú Thọ nhận thấy Công ty TNHH Junma Phú Thọ lập một số chứng từ không đúng bản chất của việc mua gỗ nguyên liệu đầu vào. Quá trình kiểm tra xác định trong thời gian liên quan đến các kỳ kiểm tra, Công ty có mua gỗ tròn và gỗ ván bóc của các hộ, cá nhân nhưng không có hóa đơn, mà hợp thức bằng việc lập các bảng kê thu mua gỗ tròn trực tiếp của người trồng rừng bán ra. Mới đây nhất, vụ việc "đại gia" xăng dầu Ngô Văn Phát có địa chỉ tại TP. Hải Phòng đã cấu kết với 6 người khác thành lập 15 công ty "ma" thực hiện việc mua bán hóa đơn trái phép... Các vụ việc đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xử lý.

B.N