Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú – xuất khẩu lô hàng tôm đầu năm 2021

13:12 05/01/2021

Sáng 05/01/2021, tại khu công nghiệp Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang, tổ chức “Lễ xuất khẩu lô hàng tôm đầu năm 2021”.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và các lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Đây là lô tôm đông lạnh của Công ty Minh Phú Hậu Giang được xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: Ngành Thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới; các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản.

Thời tiết các tháng cuối năm liên tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới và các cơn bão tại vùng biển miền Trung (Bão chồng bão, Lũ chồng lũ) gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho người dân.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản năm 2020 vẫn tiếp tục duy trì. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8% (trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,4 tỷ USD.

Đối với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, năm 2020 cũng đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng cho kết quả chung của ngành như đã nêu trên, năm 2020 cũng đã vượt qua nhiều khó khăn để tổ chức sản xuất với tổng sản lượng tôm chế biến xuất khẩu đạt 55.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 580 triệu USD, giải quyết trên 5.000 lao động (Trong đó, Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang là địa điểm cụ thể để chúng ta tổ chức sự kiện xuất khẩu lô hàng tôm đầu năm 2021, sản lượng tôm chế biến là 22.400 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 240 triệu USD) với các sản phẩm chủ lực là tôm đông lạnh giá trị gia tăng, chất lượng cao, xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Canada. 

 Công nhân Công ty Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang chế biến tôm xuất khẩu.

Ông Phùng Đức Tiến cũng cho biết thêm những yếu tố thuận lợi cho thời gian sắp tới: Kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế, lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của các Hiệp định CPTTP và EVFTA, UKVFTA….mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm. Đồng thời, chính trị và kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp ngành thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả được nâng lên.

Bên cạnh những thuận lợi trên, thời tiết gần đây cũng diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng ĐBSCL, yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, dịch bệnh do Covid-19 vẫn còn có tác động xấu …là những khó khăn, thách thức đối với kế hoạch năm 2021. Để giải quyết triệt để những vướng mắc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chia sẻ một số giải pháp cho đơn vị của Bộ NN&PTNT và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi tôm cùng thực hiện tốt một số vấn đề quan trọng sắp tới như: thường xuyên đánh giá thị trường, tăng cường liên kết giữa các đơn vị, quản lý tốt nguồn nguyên liệu, chủ động báo cáo các ngành liên quan các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu. Các Hội, Hiệp hội vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất.../.

Trần Hữu Lễ