Tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực

00:00 12/10/2020

Đó là thông tin Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, diễn ra vào chiều ngày 2/10, tại Hà Nội

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú 

Chia sẻ tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết:  Tăng trưởng tín dụng đến nay đã đạt 6,1%. Con số này tăng cao so với mức 4,3% cuối tháng 8, đầu tháng 9. Quý I tăng rất chậm, quý II tăng nhanh hơn một chút nhưng vẫn rất chậm.

Ông nhận định đây là dấu hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thậm chí, trong lĩnh vực dịch vụ, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cũng tăng tới 7%, là kết quả đáng khích lệ.

Riêng trong tháng 9 vừa qua đã cho thấy những dấu hiệu rất tích cực về thanh toán vốn của các doanh nghiệp và các hộ nông dân, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất, dịch vụ… chiếm 63% trong tổng số dư nợ hiện nay.

Như vậy, chúng ta đánh giá rằng, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của dịch nhưng các doanh nghiệp có những chuyển biến rất tích cực và linh hoạt tiếp cận các khoản vay mới trên cơ sở khoản nợ cũ thì đã được giãn thời gian, hoãn hoặc cơ cấu lại.

“Dù trong điều kiện còn khó khăn, do tác động của dịch, doanh nghiệp có sự chuyển biến tích cực và linh hoạt”, ông nói. Về mục tiêu năm nay, nếu điều kiện dịch kiểm soát tốt, xuất khẩu phục hồi, ông Tú dự báo dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10%, thậm chí mức trên 9% là khả thi.

Để đạt điều đó thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm cả cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn. Nhưng có lẽ một trong những giải pháp quan trọng nhất chính là giảm hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất cho vay, tổng mức giảm 3 lần khoảng 1,5-2%, tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổ chức cho vay với lãi suất thấp hơn dành cho các doanh nghiệp.

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã giảm chi phí và tăng hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế, vấn đề hỗ trợ thông qua các khoản lãi xuất và khoản cho vay cũ cũng như các khoản vay mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt hơn.

Vì vậy tôi cho rằng, việc hạ lãi suất cũng là một trong những lý do cơ bản quan trọng để tạo điều kiện cho tín dụng mở rộng. Ngoài ra, cùng với nhiều chính sách khác của Chính phủ, các bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn trong hỗ trợ về tài chính, về thuế giúp các doanh nghiệp.

Gia Gia