Tăng tốc phát triển nền kinh tế số

00:00 12/10/2020

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 với mục tiêu: Phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; nâng xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN đến năm 2025.

Làm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Hoàn thiện nền tảng 

CPĐT ở Việt Nam được xác định là công cụ quan trọng đối với cơ quan Chính phủ nhằm thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn, tiết kiệm chi phí, tránh nảy sinh tiêu cực với người dân và DN. Nhờ có CPĐT mà những năm gần đây, Việt Nam đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Dù vậy, việc triển khai CPĐT chưa đạt được như mong muốn. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp quốc, trong năm 2018, Việt Nam tăng 1 bậc, đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ (VPCP), cuối năm 2018, có 71/95 cơ quan thử nghiệm kết nối liên thông phần mềm văn bản và thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử. Thống kê của Bộ TT&TT, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các bộ, ngành đã cung cấp là gần 2.000 dịch vụ. Các tỉnh, TP cung cấp khoảng hơn 50.000 thủ tục. Con số này tương ứng với khoảng 24% thủ tục hành chính của các bộ và khoảng gần 50% thủ tục hành chính ở các địa phương.

Tuy vậy, số lượng dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến vẫn còn thấp, đặc biệt ở địa phương đạt 12,84%, tại bộ, ngành là 49,85%. Riêng cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN đã được đưa vào vận hành từ năm 2010, lưu trữ dữ liệu của hơn 1 triệu DN, nhưng cơ chế chia sẻ, sử dụng dữ liệu còn hạn chế.

Quy trình giải quyết thủ tục hành chính vẫn từ giấy đến điện tử, điện tử đến giấy gây phiền hà thêm cho người dân, DN và cả công chức thực hiện. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng xây dựng CPĐT như dân cư, đất đai quốc gia, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện. Đặc biệt, việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “giậm chân tại chỗ”.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Ông Kim Andreasson - Tư vấn Chính phủ số, Ngân hàng Thế giới cho biết, việc đánh giá xếp hạng CPĐT dựa trên các chỉ số chính: Sự sẵn sàng điện tử, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở và sự tham gia điện tử. Các trụ cột chính gồm hạ tầng số, tài nguyên số và chính sách chuyển đổi số, hướng tới quốc gia thông minh. Thách thức lớn nhất trong phát triển CPĐT và dữ liệu mở là sự thiếu vắng khung khổ pháp lý cho việc xây dựng, triển khai cũng như các văn bản điều phối và phối hợp giữa các cơ quan, sự quan tâm chưa đồng đều của các cấp lãnh đạo. Thêm vào đó là thách thức tới từ khó khăn tài chính cũng như kỹ năng công nghệ trong khu vực Nhà nước…

Để đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT, VPCP đã xây dựng dự thảo Đề án giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới. Chính phủ cũng đặt ra trong năm nay, cần tập trung đầu tư, phát triển công nghệ 5G để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, 5 vấn đề cần tập trung triển khai thời gian tới là: Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện; Hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, DN và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ; Rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người; Phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu quả thực thi và trách nhiệm giải trình

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu VPCP đôn đốc thực hiện kịp thời, đầy đủ Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; nâng xếp hạng CPĐT…

Nguyên Anh