Bình Thuận: Tăng cường quản lý Mã số cơ sở đóng gói - Vùng trồng Thanh long

07:59 14/10/2021

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Thuận, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngành Nông nghiệp Bình Thuận và Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tham mưu đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cấp 78 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để người sản xuất và cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, hiện việc sử dụng mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số cho một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa tuân thủ đúng quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói theo quy định. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và xuất khẩu trái thanh long ra thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…).

Sở NN&PTNT Bình Thuận yêu cầu siết chặt việc sử dụng mã số cơ sở đóng gói, mã vùng trồng thanh long đã được cấp để xuất khẩu, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản, triển khai dịch vụ thu phí đăng ký, duy trì sử dụng mã số mã vạch qua ngân hàng.

Bình Thuận tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng mã số cơ sở đóng gói, mã vùng trồng thanh long (Ảnh: Phạm.Giang)

Mã số vùng trồng: ‘Giấy thông hành’ đưa nông sản trong nước nới chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng vươn xa quốc tế. Do đó, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận đã yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV khẩn trương làm việc với một số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh để làm rõ việc các cơ sở xuất khẩu thanh long sử dụng mã số của cơ sở đóng gói để xuất khẩu không đúng với tên cơ sở đóng gói mà doanh nghiệp đã đăng ký, chấn chỉnh tình trạng các cơ sở đóng gói chưa được cấp mã số nhưng sử dụng mã số của cơ sở đóng gói khác đã được cấp mã số để đóng gói thanh long xuất khẩu, hay việc sử dụng mã số của cơ sở đóng gói không đúng với tên cơ sở đăng ký cấp mã số cùng với việc ghi nhãn hàng hóa để xử lý theo quy định.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở đóng gói thanh long theo đúng quy định của pháp luật. Liên quan tới vấn đề trên, ngày 7/10/2021, sau hơn 03 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Trên cơ sở kết quả làm việc, Chi cục Trồng trọt và BVTV tham mưu, đề xuất cụ thể để Sở NN&PTNT Bình Thuận sớm báo cáo Cục BVTV về việc một số cơ sở đóng gói thanh long tại Bình Thuận sử dụng mã số cơ sở đóng gói đã được cấp không tuân thủ đúng theo quy định.

Yêu cầu theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình dịch hại tại các vùng trồng thanh long đã được cấp mã số xuất sang Trung Quốc, chú ý các con trùng gây hại, trường hợp phát hiện các loài rầy, rệp là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại vườn trồng hoặc tại cơ sở đóng gói được cấp mã số thì bắt buộc xử lý, loại bỏ triệt để ra khỏi lô hàng trước khi xuất khẩu. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp khắc phục các loài sinh vật gây hại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất và cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện đúng quy định.

Bình Thuận hiện có khoảng 33.750 ha thanh long, với tổng sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15 tháng 11 năm 2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT, và ngày 8 tháng 7 năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

Ông Đinh Hữu Phí, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhận định, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Việc này sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, Bộ, Ngành, để thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình.

Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận.

Sở NN&PTNT Bình Thuận cũng cho biết sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát việc ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở đóng gói thanh long, giám sát chặt việc sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, phù hợp luật Quốc tế.

Phạm.Giang