Tận dụng EVFTA - đừng dừng ở những “mỹ từ”

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp phải hành động và thay đổi thì mới có thể tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), chứ chỉ ngồi bàn thì không giải quyết được gì.

doanh nghiệp phải bắt tay vào hành động ngay thì mới tận dụng được cơ hội từ EVFTA. Trong ảnh: Nhà máy Vinsmart.

Doanh nghiệp phải bắt tay vào hành động ngay thì mới tận dụng được cơ hội từ EVFTA. Trong ảnh: Nhà máy Vinsmart.

Bắt tay vào hành động

EVFTA được hình tượng hóa lên thành tuyến cao tốc đã mở, con thuyền đưa Việt Nam ra biển lớn, hay cuộc “hôn nhân” nhiều khác biệt, nhưng tính bổ sung cao... Những mỹ từ này chủ yếu đề cao cơ hội và lợi thế mà Việt Nam, cụ thể là doanh nghiệp trong nước có thể đạt được.

Thế nhưng, thực tiễn chuẩn bị của doanh nghiệp trong nước, mà chính xác là năng lực của doanh nghiệp trong nước để tham gia vào các chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI ngay tại Việt Nam, dù đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn rất èo uột, còn việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là thị trường “cửa trên” như EU thì còn vô số thách thức.

Tại Hội nghị bàn tròn về EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu hậu Covid-19 diễn ra mới đây tại Hà Nội, TS. Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, theo khảo sát của VASI với 250 doanh nghiệp chế tạo trong nước về việc tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam và trên toàn cầu, cho thấy doanh nghiệp chế tạo Việt Nam còn rất non trẻ cả về tuổi đời và năng lực, đi sau nhiều so với ngành công nghệ chế tạo thế giới, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo của châu Âu. Tuy đã cao hơn so với 5 năm trước, nhưng doanh thu bình quân hàng năm của các doanh nghiệp chế tạo được khảo sát đạt chưa đầy 3 triệu USD.

Dù chuỗi cung ứng điện tử ở Việt Nam có thị trường rộng lớn, nhưng doanh nghiệp Việt Nam có rất ít cơ hội tham gia. Theo khảo sát của VASI, trong chuỗi cung ứng ngành điện tử ở Việt Nam, có đến 88% linh kiện các loại là nhập khẩu.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam lo ngại, EVFTA đem lại cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp lớn, mà cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, nhưng đây cũng là sân chơi đầy thách thức bởi phải đáp ứng các quy định của thị trường EU.

“Nếu doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh ngay trên sân nhà thì khó lòng cạnh tranh được ở thị trường toàn cầu, nhất là châu Âu với các điều kiện khắt khe, từ việc đảm bảo không sử dụng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… đến việc đáp ứng kỳ vọng và văn hóa của các nhà mua hàng châu Âu”, ông Bouflet nhấn mạnh.

Gỡ khó để thâm nhập chuỗi cung ứng

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, Covid-19 khiến nhà đầu tư nước ngoài cũng phải nghĩ lại về một chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn hơn và bớt phụ thuộc vào một quốc gia nào đó.

Chuyên gia này lưu ý, để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, không hẳn là thu hút FDI thông thường, mà phải thu hút FDI phù hợp. Nếu EVFTA đem lại luồng FDI nhiều hơn, thì chúng ta có thể có quyền lựa chọn FDI phù hợp.

Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti cho rằng: “EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 với tỷ lệ dòng thuế nhất định được cắt giảm ngay. Nó cho thấy kết quả mang lại không đơn thuần là giảm thuế cho các đơn vị xuất nhập khẩu, mà còn có lợi cho túi tiền của người dân”.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp chế tạo Việt Nam đối diện vô số thách thức, từ việc thiếu những tiêu chuẩn quản lý căn bản như ISO 9001, ISO 14001, hay tiêu chuẩn của ngành ô tô như IATF 16949. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước phải vật lộn với việc đáp ứng yêu cầu về giá bởi ngoài nguyên nhân sản xuất chưa tinh gọn, chi phí đầu vào cao, còn do lãi suất vay vốn và nhiều loại thuế, phí không chính thức.

Chưa kể, doanh nghiệp chế tạo trong nước quy mô nhỏ nên chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ do thiếu vốn và năng lực quản lý, thiếu các công đoạn gia công có chất lượng để sản xuất cụm hoàn chỉnh…

TS. Trương Thị Chí Bình cho rằng, hành động cần thiết lúc này để doanh nghiệp chế tạo trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là phải giảm chi phí tiếp cận tín dụng như vay vốn ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp; cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí không chính thức. Hơn nữa, thị trường trong nước cần có thêm những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bổ sung công đoạn còn thiếu.

Theo các chuyên gia Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển (CBI) của EU - đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu linh kiện và phụ tùng sang thị trường EU, doanh nghiệp chế tạo xuất khẩu hàng sang EU thông thường có doanh thu tối thiểu 5 triệu USD/năm, nếu thấp hơn mức này, rất khó có cơ hội thâm nhập chuỗi cung ứng ngành chế tạo ở EU cũng như toàn cầu. Trong khi, 70% doanh nghiệp chế tạo Việt Nam có doanh thu dưới 5 triệu USD.

Lê Quân