Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Nội lực là điểm tựa chính

00:00 12/10/2020

Chuyên gia của Bộ Công Thương khẳng định, muốn tận dụng được cơ hội, trước hết DN phải thay đổi tư duy “an phận thủ thường” với hợp đồng gia công. Thứ 2 phải có năng lực cạnh tranh tốt. Thứ 3 phải nâng cấp những hiểu biết, cam kết đối với thị trường. Cuối cùng là vấn đề nâng cấp quan hệ với nhau, để hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU không còn cạnh tranh lẫn nhau về giá.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho cả EU và Việt Nam trong việc vực dậy xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư vào chiều sâu, góp phần tăng trưởng kinh tế… Tuy nhiên, những ưu đãi từ EVFTA chỉ là yếu tố hỗ trợ, còn để tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hiệp định này, điều kiện tiên quyết vẫn là nỗ lực tự đổi mới và xác định hướng đầu tư đúng đắn của chính các DN. 

DN có thể tự chủ động, nhưng vẫn chưa đủ…

Dẫn khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PGS-TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng CIEM cho biết, hiện có khoảng 40% DN Việt Nam đã và đang tham gia giao dịch với EU; hơn 80% biết về EVFTA. Tuy nhiên chỉ có 5% DN có kiến thức chuyên sâu về hiệp định này và có tới 63% DN chưa có sự chuẩn bị với EVFTA.

Cần tập trung đầu tư vào những sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh

Ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng lưu ý, không nên chủ quan và nghĩ rằng chỉ cần theo những cách làm cũ là có thể nghiễm nhiên tận dụng cơ hội từ EVFTA. “Tôi đã tham dự một sự kiện có đến 90% DN tham gia lĩnh vực xuất khẩu và phần lớn là xuất khẩu theo giá FOB, có nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng. Như vậy là họ không cần quan tâm đến việc thuế giảm bao phần trăm, họ cũng không quan tâm đến chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm…”, ông Khanh cho biết.

Câu chuyện về gạo Việt Nam là một điển hình. Rất nhiều nhà nhập khẩu từ EU sang đặt hàng các công ty Việt Nam xay xát gạo, sau đó dán thương hiệu của nhà nhập khẩu. “Với cách làm như vậy thì liệu lâu nay chúng ta có thực sự tận dụng được cơ hội từ EVFTA hay không?”, ông Khanh đặt câu hỏi.

Chuyên gia của Bộ Công Thương khẳng định, muốn tận dụng được cơ hội, trước hết DN phải thay đổi tư duy “an phận thủ thường” với hợp đồng gia công. Thứ 2 phải có năng lực cạnh tranh tốt. Thứ 3 phải nâng cấp những hiểu biết, cam kết đối với thị trường. Cuối cùng là vấn đề nâng cấp quan hệ với nhau, để hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU không còn cạnh tranh lẫn nhau về giá.

“Với những kinh nghiệm sẵn có từ các FTA, tôi tin rằng cộng đồng DN Việt sẽ không thấy ngợp và hoàn toàn có thể chủ động gia nhập và đối mặt với thách thức từ EVFTA và hướng tới thành công”, ông Khanh khẳng định.

Yếu tố nào để cạnh tranh và tồn tại?!

Dưới góc nhìn của DN, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, trước hết phải xác định thị trường nội địa chính là bệ đỡ của DN, phải làm tốt nhất từ Việt Nam trước khi nghĩ đến việc sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu ở các thị trường khác. Đặc biệt, với ngành hàng tiêu dùng có mức độ trung thành của người tiêu dùng rất thấp, DN đã xác định đổi mới chính là một phần của chiến lược hoạt động.

Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư nâng cấp năng lực công nghệ và quản trị để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường EU. Điển hình là hàng nông sản Việt Nam, bên cạnh chất lượng thì cần đáp ứng được yếu tố sản lượng lớn. “Rất nhiều lần tôi hỗ trợ một số DN quốc tế về một số mặt hàng ở Việt Nam, nhưng đều gặp phải thách thức là họ đòi hỏi sản lượng khá cao, để đáp ứng được thì phải “gom” từ vài DN. Mà như vậy sẽ khó có được chất lượng đồng đều và ổn định”, bà Phương cho biết. Đó cũng là bài toán khó, đòi hỏi phải tận dụng ngược lại năng lực quản trị, cũng như công nghệ từ phía EU thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường này.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền - Giám đốc Công ty Mia Fruit chia sẻ thêm việc xây dựng thương hiệu. Trong suốt 8 năm tham gia những triển lãm và hội chợ trái cây quốc tế, Mia Fruit nhận ra rằng, việc quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam tới sân chơi quốc tế là vô cùng quan trọng. Để cho những DN, đơn vị phân phối bán sỉ trên toàn thế giới nhìn nhận ra và hiểu được chất lượng, hình ảnh trái cây, nông sản của đất nước mình DN này đã đầu tư làm bản đồ trái cây Việt Nam thông qua việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu từng vùng miền, làm chỉ dẫn địa lý của từng địa phương.

“Cho dù mùa dịch Covid-19 kéo dài mà bản đồ trái cây đã hình thành, thì các bạn bè quốc tế dù ở đâu cũng có thể truy cập và biết được Việt Nam có những loại trái cây gì, đạt tiêu chuẩn như thế nào và tiến tới tìm hiểu sâu hơn. Từ bản đồ trái cây, các bước tiếp theo sẽ là bản đồ hợp tác xã, bản đồ logistics để kết nối và hỗ trợ việc giao thương một cách tốt nhất”, bà Huyền tự tin cho biết.

TS. Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thông tin thêm, vừa qua cơ quan này đã thực hiện chương trình giám sát về các FTA nói chung. Qua đó có thể thấy với các đối tác mang tính bổ sung thấp, thậm chí cạnh tranh với chúng ta thì nhập siêu của nước ta sẽ có xu thế tăng. “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế đó để nói rằng dựa vào cái gì để cạnh tranh và tồn tại. Đầu tiên, phải dựa vào nội lực là chính, sau đó mới là ngoại lực”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trong các yếu tố nội lực, yếu tố con người và thiên nhiên rất quan trọng, tạo ra những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Đó là những sản phẩm riêng biệt của nước ta và chỉ có một số nước tương đồng về khí hậu mới có thể cạnh tranh với chúng ta. Nếu chúng ta làm tốt hơn nước họ thì đây là lợi thế. Trên cơ sở những nội lực đó, học cách làm từ các nước khác để tiêu chuẩn hóa nội địa, từ đó thành thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh những yếu tố trên, chúng ta phải tận dụng ngoại lực để hội nhập, ví dụ như công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến… Mặc dù tận dụng nhưng sẽ tiến hành “Việt Nam hóa” để có sản phẩm riêng cho nước mình. Như vậy, điểm tựa chính vẫn là nội lực, còn hỗ trợ sẽ là ngoại lực.

Ngọc Khanh