Tài xế công nghệ thấp thỏm nỗi lo... bỏ nghề

04:18 07/12/2020

Sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực hôm 5/12, đã có 2 ứng dụng Grab và Baemin chính thức thay đổi việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng mới kéo giá cước từng loại dịch vụ cũng tăng theo.

Những con số tăng nhảy múa

Từ 5/12, giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng xe công nghệ chịu thuế 10%. Đến ngày 6/12, đã có 2 ứng dụng đặt xe công nghệ là Grab và Baemin thay đổi việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) mới. Việc hai ứng dụng này tăng giá cước khiến nhiều khách hàng bất ngờ. 

Ứng dụng đặt xe công nghệ thay đổi việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng  mới khiến khách hàng và nhiều tài xế tỏ ra lo lắng
Ứng dụng đặt xe công nghệ thay đổi việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng mới khiến khách hàng và nhiều tài xế tỏ ra lo lắng.(Ảnh: minh hoạ, nguồn internet)

Thời điểm 11h ngày 5/12, Grab đồng loạt điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar. Tại Hà Nội, GrabCar tăng thêm 2.000 đồng từ 25.000 lên 27.000 đồng cho 2km đầu; tăng thêm 1.000 đồng từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Cùng với đó, giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng. Ứng dụng gọi thức ăn của Hàn Quốc Baemin công bố tỉ lệ chiết khấu của tài xế áp dụng từ 20% lên 27,273% kể từ ngày 5/12.

Khi VAT tăng từ 3% lên 10%, tỉ lệ chiết khấu tài xế GrabCar phải nộp cho hãng cũng tăng từ 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.

Trao đổi với báo giới, một đại diện Grab lý giả căn nguyên điều chỉnh giá lần này do áp dụng quy định mới của Nghị định 126/2020, nếu chờ thông tư hướng dẫn sẽ lâu, cơ quan thuế sẽ tính VAT từ ngày 5/12 nên hãng phải điều chỉnh ngay để tránh bị truy thu thuế, nộp phạt.

Cùng với đó, việc VAT tăng từ 3% lên 10% với xe công nghệ khiến Grab buộc phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ nhằm đảm bảo mức thu nhập cho tài xế.

Hiện vẫn còn một số ứng dụng gọi xe như Be, Gojek chưa có động thái tăng cước dù Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực thi hành.

Thấp thỏm những nỗi lo

Cùng với việc tăng giá dịch vụ, thời gian tính phụ phí của Grab từ 23h đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc xe (chưa kể khách sẽ bị tính thêm 3.000-10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút). Như vậy, với các loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng 1.000-3.000 đồng/cuốc xe.

Đã từng xảy ra việc hàng trăm tài xế GrabBike tụ tập trước trụ sở Grab tại Việt Nam (Bic C Miền Đông, Tô Hiến Thành, quận 10, TP. HCM) để đình công phản đối hãng tăng chiết khấu
Đã từng xảy ra việc hàng trăm tài xế GrabBike tụ tập trước trụ sở Grab tại Việt Nam (Bic C Miền Đông, Tô Hiến Thành, quận 10, TP. HCM) để đình công phản đối hãng tăng chiết khấu.

Phản ứng trước những biến động giá này, chị T.N.C (Nam Từ liêm, TP. Hà Nội) cho biết, không đi được xe máy nên chị thường xuyên sử dụng GrabCar để đi làm. Với cung đường di chuyển khoảng 5km, thay vì trả 45.000 thì nay chị C đang phải trả thêm từ 15 đến 20.000 đồng cho một lần di chuyển.

“Nếu tính cả tháng đi làm thì tôi sẽ tốn thêm một khoản đáng kể. Tôi khá lo lắng và phân vân chưa biết sẽ thay đổi phương tiện di chuyển như thế nào”, chị C bày tỏ lo ngại.

Còn theo tính toán của một tài xế GrabBike, thông thường, tổng doanh thu một ngày làm việc từ sáng đến cuối chiều của người này được khoảng 200.000 đồng. Sau khi trừ chiết khấu 27,273%, cước điện thoại, chi phí nhiên liệu, hao mòn phương tiện thì tài xế thu nhập chẳng đáng là bao. Đơn cử cuốc xe mới nhất anh chạy cung đường khoảng 3km với giá 21.000 đồng, trừ tiền phí ứng dụng, tiền thuế cho cuốc xe này là 5.455 đồng và 1.000 đồng phí nền tảng, tài xế nhận về chỉ 15.000 đồng.

“Tôi lo ngại chí phí tăng sẽ khiến khách hàng bỏ GrabBike, Hà Nội hiện có hàng ngàn tài xế GrabBike, cứ thế này thì thu nhập sao đủ trang trải cuộc sống. Tôi và nhiều anh em đang lo phải bỏ nghề”, tài xế này cho biết.

Được biết, lâu nay, các tài xế xe ôm bị trừ thuế VAT 3% trên tổng doanh thu. Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), để đảm bảo công bằng giữa tất cả các hãng taxi, vận tải, xe công nghệ (được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện) nên doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế VAT 10% trên tổng doanh thu thay cho tài xế.

“Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ. Với quy định này, lái xe chỉ có trách nhiệm khai và nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm. Người nào ở dưới mức này sẽ được hoàn lại thuế” - đại diện Tổng cục Thuế lý giải.

Nhìn nhận về việc tăng VAT lên 10% với xe công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng VAT là một loại thuế gián thu, bản chất đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay. Vì vậy, tăng thuế đương nhiên sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Trần Linh