Suy ngẫm câu chuyện “giải cứu”, “tự cứu”!

00:00 12/10/2020

Khi nói về câu chuyện “giải cứu” nông sản xảy ra rất nhiều trong những năm vừa qua, không phải là chuyên gia nông nghiệp, song Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương đưa ra nhận xét khá ấn tượng: "Việc sản phẩm đổ đầy đường rồi nói là giải cứu làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường” và “Nếu làm kinh doanh mà chờ giải cứu thì không phải là nhà kinh doanh”. Và giữa tâm dịch Covid-19, câu nói này dường như thêm ý nghĩa!.

Phần nhiều trong hơn 700 nghìn doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang hoạt động, ngoài số DN nhỏ và vừa, thì chúng ta cũng có rất nhiều DN đầu tàu, DN lớn, rồi những Shark (Cá mập), thậm chí Shark Tank (Dàn cá mập), nên người viết khá phân vân khi đặt bút bởi biết đâu lại “động chạm” đến lòng tự trọng của DN, doanh nhân nào đó.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, nghe lại những chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chuỗi liên tiếp những cuộc họp căng thẳng bàn giải pháp; những hành động thiết thực, có hiệu lực tức thời của các Bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn, hoặc ít nhất là hạn chế thua thiệt, tổn thất trong mùa dịch bệnh thì nỗi phân vân ban đầu đã được hoá giải.

giai cuu tu cuu va suy ngam

Vui trong kinh doanh dù chưa hẳn đã biết đến khái niệm “giải cứu” (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu thì rõ ràng, cuộc chiến chống Covid-19 đã không còn là câu chuyện của riêng ai.

Xin điểm lại vài cứ liệu, từ Công văn số 79-CV/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phòng, chống dịch; những Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19… đến chỉ đạo của các Bộ, ngành, kèm đó là những kế hoạch, những giải pháp rất cụ thể với tinh thần “chống dịch như chống giặc”“sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế vì sức khoẻ, tính mạng của người dân”... để thấy rõ sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị để vừa đảm bảo hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, vừa ổ định, phát triển sản xuất – kinh doanh.

Và trước những khó khăn của cộng đồng DN, của người kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ thấu hiểu và sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân ổn định sản xuất – kinh doanh. Nói và làm, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11/CT-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó nổi bật là gói tín dụng hỗ trợ 250 nghìn tỉ đồng và 30 nghìn tỉ đồng, được giao cho 2 cơ quan “đầu não” là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện. Cùng đó là những quyết định quan trọng về việc miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế nhằm giúp đỡ các DN trong thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trước đó, hàng loạt giải pháp cấp bách hỗ trợ DN tìm nguồn nguyên liệu sản xuất, tìm đầu ra cho hàng hoá, nhất là nông sản xuất khẩu, cung ứng hàng hoá phụ vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và DN đã được các Bộ, ngành chủ động, tích cực triển khai. Điển hình như Bộ Công Thương, ngay sau Chỉ thị số 06/CT-BCT về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai nhiều nhóm giải pháp, từ rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN, trong đó có phương án cắt giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý; quyết định chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quí I và quí II đối với các mặt hàng là đầu vào sản xuất; đưa giải pháp phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), chuẩn bị các điều kiện cần thiết và chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực...

Hay, cũng trong nỗ lực hỗ trợ DN giảm bớt khó khăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng đề án hỗ trợ DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 6 nhóm chính sách, trong đó có việc cho phép tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất,… với dự tính sẽ có khoảng 1,5 đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này.

Trong khi đó, các địa phương cũng chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện để DN ổn định, phát triển, điển hình như tỉnh Quảng Ninh, đã thực hiện các giải pháp kích cầu, như: Tặng vé tham quan Vịnh Hạ Long cho du khách; họp bàn với các DN để thống nhất giải pháp kích cầu; xây dựng điều chỉnh kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch và một số ngành nghề kinh doanh khác; tạo điều kiện thông thương hàng hoá xuất, nhập khẩu, nhất là những mặt hàng nông sản của địa phương…

Cùng đó, cộng đồng DN Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực không chỉ để “tự cứu” mình bằng nhiều giải pháp, như: bảo đảm an toàn cho nhân viên; bố trí cho một số nhân viên làm việc tại nhà; cắt giảm chi phí marketing; chủ động tìm kiếm nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là những thị trường mới... mà còn chung tay cùng Chính phủ phòng, chống dịch bằng những khoản đóng góp, ủng hộ lớn, dù bản thân DN đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không ít DN, thay vì tự thân vượt khó, chia sẻ với cộng đồng, chung tay cùng Nhà nước ngăn chặn dịch bệnh thì họ chỉ biết kêu khó, kêu khổ với tâm thế “trông chờ” vào sự “giải cứu” của Nhà nước.

Phải thừa nhận thực tế là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng bất lợi đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, song thẳng thắn mà nói, nếu các DN ngành du lịch, dịch vụ, hàng không, xuất – nhập khẩu “kêu cứu” thì còn hợp lý, nhưng nhiều DN thuộc các lĩnh vực khác (xin không đề cập cụ thể) cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước thì dường như hơi “phi lý”.

Thử đặt câu hỏi: Khi hoạt động sản xuất – kinh doanh thuận lợi, thậm chí “ăn nên, làm ra”, vì sao không có DN nào đề xuất tăng thuế, phí để đóng góp phần mình vào ngân sách Nhà nước?, trong khi chúng ta đều hiểu, tất cả các khoản hỗ trợ, dù là chính sách miễn, giảm thuế, phí, hay các khoản hỗ trợ cụ thể khác từ ngân sách, thì bản chất chính là tiền thuế mà người dân và DN đóng góp. Bởi thế, không dùng từ “bất hợp lý” mà nhẹ hơn là “đáng buồn” khi những kiến nghị, những đề xuất được “giải cứu” cứ nhiều dần theo diễn biến của dịch bệnh và tăng dần về mức độ “nồng nàn”!.

Tương tự, trong rất nhiều diễn đàn bàn về việc tận dụng cơ hội, hoá giải thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa và song phương mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, không ít chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trong khi Nhà nước “gồng mình” hội nhập bằng không chỉ những “khôn khéo” khi đàm phán mà cả những “chấp nhận thua thiệt trong giới hạn nào đó” để đưa nền kinh tế hội nhập với quốc tế, đưa hàng hoá Việt Nam ra thế giới, thì không ít DN, doanh nhân vẫn bình thản đứng ngoài cuộc với lý do họ gặp nhiều khó khăn, còn nhiều hạn chế.

Có lẽ lúc này, các DN, doanh nhân nên dành cho mình một khoảng lặng để tự vấn: Liệu có hay không hiện tượng “kêu cứu… ké”?. Thêm nữa, không lẽ các DN, doanh nhân chấp nhận việc “âm thầm thu hoạch khi thuận lợi, đòi hỏi hỗ trợ lúc gian nan”?. Và hơn thế, đâu là bản lĩnh doanh nhân!?.

Hãy nhìn những người trong ngành y, những anh bộ đội, những chú công an và biết bao người đang ngày đêm gồng mình chiến đấu với Covid-19, đang phục vụ những bệnh nhân đã nhiễm bệnh và cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh đang ngày càng đông trong các khu vực cách ly, dù họ biết nguy cơ lây nhiễm bệnh là hiện hữu, để thấy rằng, không thể ngăn chặn bệnh dịch bằng những tiếng “kêu cứu” mà trước hết phải bằng những nỗ lực tự thân, những hành động thiết thực và bằng cả sự chung tay chia sẻ và sự hy sinh.

Khép lại, xin nêu hai sự kiện: (1) Một Shark khá nổi tiếng vừa đưa ra lời khuyên cộng đồng DN nên “ngủ đông” với việc cắt giảm 3 nhóm nhân sự, trong đó có gồm: Nhóm không thể cắt giảm; Nhóm có thể cắt giảm và Nhóm cắt giảm ngay lập tức - nhóm gián tiếp tạo ra doanh thu và có thể tuyển thay thế sau khi khủng hoảng kết thúc và kinh doanh phục hồi. (2) Trong những ngày cuối tháng 3, ở xã vùng cao Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai – nơi cuộc sống của đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn, thì rất nhiều chủ hộ đã tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo chỉ bởi: “Nghĩ mình còn trẻ, sức dài vai rộng phải cố gắng lao động sản xuất để vươn lên, giờ đỡ vất vả hơn nhiều rồi" thì nhường “xuất hộ nghèo cho người khác”.

Và, suy ngẫm!.

Hoàng Châu