Việt Nam được chú ý trong kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra ngoài Trung Quốc của Apple

23:32 04/12/2022

Nguồn tin của The Wall Street Journal cho rằng, Apple đã thông báo cho các nhà cung cấp để lên kế hoạch tích cực hơn cho việc lắp ráp thiết bị ở các nơi khác tại châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Nguồn tin của The Wall Street Journal tiết lộ, trong vài tuần gần đây, Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra ngoài Trung Quốc. 

Ý định đưa một phần chuỗi sản xuất ra ngoài Trung Quốc đã nhen nhóm từ lâu, nhưng giờ đây Apple đang chủ động hơn với ý định này.

Báo cáo được đăng tải hôm 3.12 trên The Wall Street Journal, Apple được cho là đã tăng tốc các kế hoạch để di chuyển một số hoạt động sản xuất của mình sang các nơi khác. Cụ thể, nguồn rò rỉ cho biết Apple đã thông báo cho các nhà cung cấp để lên kế hoạch tích cực hơn cho việc lắp ráp thiết bị ở các nơi khác tại châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ.

Đáng chú ý, thông điệp cũng bao gồm nội dung đề cập đến việc giảm sự phụ thuộc vào các công ty thuộc tập đoàn công nghệ Foxconn - đối tác sản xuất iPhone chính cho Apple. Điều này diễn ra trong bối cảnh biểu tình xảy ra tại cơ sở của Foxconn ở Trịnh Châu (Trung Quốc), nơi được cho là “thành phố iPhone” và chịu trách nhiệm sản xuất các mẫu iPhone cao cấp.

Mặc dù vậy, việc chuyển đổi này được đánh giá là khó khăn. Vào tháng 9, giới phân tích dự đoán phải mất 8 năm để Apple chuyển chỉ 10% sản lượng ra khỏi Trung Quốc. Hiện tại một số trung tâm sản xuất của Apple hiện đã mở rộng sang Việt Nam và Ấn Độ, nhưng công ty còn rất nhiều điều cần phải làm để thực hiện những thay đổi lớn hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.

Nguyên nhân chính vì tại Trung Quốc, mật độ dày đặc các nhà cung cấp và các kỹ sư sản xuất sẽ giúp việc triển khai các bản thiết kế và nguyên mẫu sản phẩm của công ty thành sự thật. Để phát triển ở các quốc gia khác, Apple phải mở rộng quy trình này. Tuy nhiên, việc thuê lao động chậm chạp và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, Apple sẽ khó thực hiện điều đó.

Các vấn đề liên tục với nhà máy Foxconn ở Trung Quốc gần đây khiến Apple phải đẩy nhanh việc mở rộng sản xuất ra các quốc gia khác
Các vấn đề liên tục với nhà máy Foxconn ở Trung Quốc gần đây khiến Apple tỏ ra lo ngại. 

Apple và Trung Quốc đã dành hàng thập kỷ gắn bó với nhau. Kate Whitehead, cựu quản lý vận hành Apple, cho rằng tìm kiếm tất cả mảnh ghép để xây dựng được quy mô đáp ứng nhu cầu của Apple không dễ.

Dù vậy, việc chuyển dịch vẫn diễn ra bởi 2 lý do: người trẻ Trung Quốc không còn muốn làm công việc lắp ráp điện tử với mức lương khiêm tốn và cách tiếp cận với Covid-19 của chính phủ. Trong khi các nước về lại trạng thái bình thường, Trung Quốc vẫn cố gắng kiếm chế dịch bệnh bằng cách ly, phong tỏa. Tất cả diễn ra đúng lúc căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.

Được biết, Apple có mục tiêu dài hạn là vận chuyển 40% đến 45% sản lượng iPhone từ Ấn Độ, tăng mạnh so với mức dưới 10% hiện tại. Trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ đảm nhận thêm việc sản xuất cho các dòng sản phẩm khác như AirPods, Apple Watch và các mẫu MacBook.

Tại Trung Quốc,  có tới 300.000 công nhân làm việc tại một nhà máy do Foxconn điều hành ở thành phố Trịnh Châu để sản xuất iPhone và các sản phẩm khác của Apple. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, có lúc riêng nhà máy này đã chiếm khoảng 85% dòng sản phẩm iPhone Pro.

Hiện nay, người dùng muốn mua iPhone 14 Pro sẽ phải chờ sau Giáng sinh mới nhận được hàng. Apple cảnh báo các lô hàng iPhone cao cấp sẽ bị ảnh hưởng do Covid-19 ở nhà máy Trịnh Châu. Đích thân Apple phải cử người sang phối hợp với Foxconn để giải quyết nỗi lo của công nhân.

Theo nhà phân tích Ming Chi Kuo, lô hàng iPhone trong quý cuối năm có thể đạt 70 đến 75 triệu đơn vị, giảm 10 triệu máy so với dự báo. iPhone 14 Pro và 14 Pro Max bị thiệt hại nặng nhất. Công suất tại nhà máy iPhone Trịnh Châu chỉ vào khoảng 20% hồi tháng 11 và dự kiến cải thiện lên mức 30% đến 40% vào tháng 12. Một dấu hiệu tích cực là hồi giữa tuần, chính quyền thành phố đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Một quản lý Foxconn tiết lộ, hàng trăm công nhân đã được huy động để di chuyển máy móc, linh kiện gần 1.000 dặm từ Trịnh Châu đến Thâm Quyến, nơi Foxconn còn một số nhà máy khác. Foxconn cũng tăng lương cho công nhân để họ quay lại làm việc.

Tú Anh (t/h)