Sức xuân trên Đất Cảng

11:44 04/02/2021

Sự phát triển đột phá thần tốc, đồng bộ như “hoa vươn lên trong bão” làm Hải Phòng bừng sáng trong mắt người dân, du khách trong dịp Tết đến, Xuân về.

Cầu Hoàng Văn Thụ đẹp hiện đại nối
trung tâm thành phố về phía Bắc
với trung tâm hành chính, với di tích
Quốc gia Bạch Đằng Giang với “thành
phố” Thủy Nguyên tương lai xinh đẹp
 Hải Phòng vào Xuân đẹp bừng lên trong mắt người dân và du khách

Sự bùng phát của Đại dịch Covid-19 mang lại những thách thức chưa từng có, đã tác động lớn đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, trong đó thành phố Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với sự đồng lòng chung sức của Đảng bộ,chính quyền, doanh nghiệp, quân và dân thành phố khiến bức tranh kinh tế xã hội có nhiều khoảng sáng. Sự phát triển đột phá thần tốc, đồng bộ như “hoa vươn lên trong bão” làm Hải Phòng bừng sáng trong mắt người dân, du khách trong dịp Tết đến, Xuân về.

Những bước đi thần tốc

Trong một buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Kinh tế  biển, công nghiệp trình độ cao và du lịch phải là 3 trụ cột chiến lược của Hải Phòng từ nay đến năm 2045”. Những trụ cột chiến lược của Hải Phòng mà Thủ tướng đề cập đang từng ngày được củng cố, phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm tựa giúp nền kinh tế vượt qua những tác động tiêu cực mà Đại dịch toàn cầu Covid-19 gây ra.

Năm 2020, thành phố Hải Phòng phải đối diện với thử thách mới khi vừa phải làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù tăng trưởng ở các ngành, lĩnh vực chậm lại nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thành phố năm 2020 vẫn đạt được những kết quả nổi bật, tiếp tục là điểm sáng trong cả nước.

Nhờ công tác quy hoạch được quản lý chặt chẽ, việc phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư mạnh mẽ nên các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Hải Phòng đều tăng trưởng cao, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt 190.768,8 tỷ đồng, tăng 11,22% so với cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 16,5%) và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành trong cả nước (sau Bắc Giang). 

Cầu Hoàng Văn Thụ đẹp hiện đại nối trung tâm thành phố  về phía Bắc với trung tâm hành chính, với di tích Quốc Gia Bạch Đằng Giang với “thành phố” Thủy Nguyên tương lai xinh đẹp
Cầu Hoàng Văn Thụ đẹp hiện đại nối trung tâm thành phố về phía Bắc với trung tâm hành chính, với di tích Quốc Gia Bạch Đằng Giang với “thành phố” Thủy Nguyên tương lai xinh đẹp.

Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng nói riêng và các địa phương nói chung đã “trải thảm đỏ” cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư. Từ nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển, thành phố Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông. Đến thời điểm này, Hải Phòng hiện là địa phương có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, từ hàng không, đường bộ, cảng biển, cho đến hạ tầng xã hội khang trang, hiện đại, tầm cỡ hiện diện, xứng tầm quốc tế. Một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của miền Bắc và cả nước được đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Điển hình là các dự án: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tân Vũ - Lạch Huyện, đường nối TP. Hạ Long - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện…

Hải Phòng được mệnh danh là “thành phố của những cây cầu”. Năm vừa qua, nhiều cây cầu chiến lược đã và sẽ đi vào hoạt động góp vai trò quan trọng nối giao thương góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, khu vực đô thị trung tâm thành phố đã được chỉnh trang, nâng cấp, chuyển biến nhanh theo hướng văn minh, hiện đại, đã hình thành nhiều khu đô thị mới phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng như: Khu đô thị Vinhomes Imperia của Tập đoàn Vingroup, các khu đô thị của Tập đoàn Hoàng Huy, khu đô thị ven sông Lạch Tray của Tập đoàn Agape, một số khách sạn 5 sao, Trung tâm Thương mại AeonMall… Các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư như mở rộng, xây dựng mới bệnh viện đa khoa Quốc tế, trường học; cải tạo, chỉnh trang sông nội đô; công viên; dải trung tâm thành phố và một số công viên cây xanh…

Đáng chú ý, trong không gian đô thị được mở rộng, phát triển theo đúng quy hoạch với mục tiêu phát triển về 3 hướng đột phá. Nổi bật là hướng phát triển về phía Bắc sông Cấm, đã hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ, hạ tầng giao thông kết nối, các công trình lớn Khu công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên. Hướng phát triển về phía Cát Hải - Cát Bà, đã hoàn thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải - Cát Bà, một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại Cát Bà; 02 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Hướng phát triển về phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray đã hình thành một số khu đô thị sinh thái, trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí Resort Hòn Dáu, bãi biển nhân tạo Đồ Sơn… 

Công viên Máy Tơ công trình trọng điểm của UBND quận Ngô Quyền vừa được khánh thành phục vụ người dân vui chơi đón Tết.
Công viên Máy Tơ công trình trọng điểm của UBND quận Ngô Quyền vừa được khánh thành phục vụ người dân vui chơi đón Tết..

Sẽ quan tâm chú trọng tới DNNVV

Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành với các cơ quan báo chí trong cuộc họp báo chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2025. Bí thư Thành uỷ cũng khẳng định khách quan rằng, để có được những kết quả trên là sự nỗ lực của nhiều phía, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của DNNVV. Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 34.825 DN, trong đó DNNVV chiếm khoảng 98 %, khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào GRDP, tạo công ăn việc làm, ổn định kinh tế địa phương.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, những nỗ lực của thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều rào cản trong quá trình phát triển. Việc ưu tiên phát triển ngành nghề, sản phẩm cạnh tranh; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương; việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm được doanh nghiệp triển khai tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, vốn vay, thuế, chi phí doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, các vấn đề liên quan đến việc giải quyết pháp lý cho doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… vẫn là những điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều DNNVV TP Hải Phòng phản ánh rằng, các điều kiện vay vốn còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa rõ ràng. Trong khi DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi; còn các chính sách hỗ trợ hiện cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng. Đặc biệt, các DN càng nhỏ càng khó tiếp cận nguồn vốn; thủ tục và điều kiện vay càng khó khăn; DN quy mô nhỏ cũng khó tiếp cận đất đai, khó vào khu công nghiệp do không đáp ứng được các điều kiện. Ngoài ra các DNNVV còn gặp các rào cản khác như: tuyển dụng nhân sự, thanh kiểm tra, thủ tục hành chính, các chi phí không chính thức… 

Hải Phòng vào Xuân đẹp bừng lên
trong mắt người dân và du khách
Hải Phòng vào Xuân đẹp bừng lên trong mắt người dân và du khách.

Từ những khó khăn này dẫn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như rất khó khi cần mở rộng quy mô, thay đổi thiết bị, công nghệ, cải tiến kỹ thuật và một vòng lẩn quẩn các khó khăn cứ tiếp tục chồng chất. Vậy nên hiện nay, các DNNVV rất cần sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân hàng và các chính sách hỗ trợ từ nhà nước để giúp giảm bớt “gánh nặng” đầu tư ban đầu, cũng như rất cần những “bà đỡ” để họ yên tâm tập trung sản xuất và vận hành kinh doanh.

Như Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đã từng phát biểu tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội của Quốc hội: “Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của DN trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế” Bởi vậy, trong thời gian tới Hải Phòng cần quan tâm, tạo mọi điều kiện cho cả DN lớn lẫn DN nhỏ cùng phát triển, bao gồm cả hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt là DNNVV phải được phát triển tốt. Điều đó có nghĩa Hải Phòng cần tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, công khai và minh bạch. Cụ thể, cần thay đổi tư duy, thừa nhận vai trò của DNNVV, trên cơ sở xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp lớn; cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là về đất đai, thuế, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản đảm bảo...; tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các DN có niềm tin, tạo động lực và sức bật để phát triển.

Cùng đó, tiếp tục miễn, giảm tiền thuê đất cho DNNVV chịu ảnh hưởng của dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DNNVV bị ảnh hưởng do Đại dịch Covid-19 như các DN logistics, DN bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch…

Trong hành trình phát triển mạnh mẽ còn rất nhiều thách thức mà Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Cảng cần vượt qua. Nhưng với sự đồng thuận, tiềm lực vững vàng, những quyết sách vàng cho sự quan tâm hỗ trợ DNNVV, chắc chắn Hải Phòng sẽ có những bước đi mạnh mẽ vững bền của một thành phố hội nhập, mang tầm quốc tế.

20 dự án trọng điểm năm 2021 của thành phố Hải Phòng

Dự án Công viên chủ đề VinWonders Vũ Yên của Tập đoàn Vingroup. (khởi công tháng 6/2020;

Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào 1;

Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình;

Dự án Khu đô thị mới Hoàng Huy New City (xã Tân Dương và Dương Quan, huyện Thủy Nguyên);

Dự án đầu tư xây dựng bến số 3, 4 tại Cảng Lạch Huyện;

Tổ hợp hậu cần và sản xuất các sản phẩm du lịch tại đảo Cát Hải;

Tuyến cáp treo Phù Long - thị trấn Cát Bà;

Dự án Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng;

Dự án Tòa nhà hỗn hợp đa chức năng thương mại; khách sạn; văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp số 4 (đường Trần Phú, quận Ngô Quyền);

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê tả Sông Cấm;

Dự án cầu Nguyễn Trãi;

Dự án đầu tư tuyến đê biển nam Đình Vũ thuộc KKT Đình Vũ - Cát Hải;

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Tràng Duệ (Giai đoạn 3);

Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng;

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN nam Tràng Cát;

Nhà Ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (giai đoạn I);

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Thủy Nguyên;

Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc (Giai đoạn 2);

Khu đô thị mới Hoàng Huy Green River tại xã Hoa Động, Thủy Nguyên;

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm.

Nguyễn Lương