Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm tránh tình trạng 'xúi giục hay ép buộc' tham gia bảo hiểm

11:01 19/02/2021

Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách hiện tại và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam.

Tại tờ trình, Bộ Tài chính cho biết một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm.

Những mặt hạn chế

Do Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế, nên thị trường cũng bộc lộ một số tồn tại và cơ chế chính sách cũng có những bất cập chưa theo kịp với thực tế, cụ thể như sau:

Một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm), dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm cũng có những tồn tại, thể hiện  chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao, trong đó: Vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau).

Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm...

Đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm

Việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách và sự tồn tại của thị trường, bảo đảm các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm...

Về một số nội dung chính được sửa đổi, luật sẽ bổ sung nguyên tắc doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của mình đối với bên mua bảo hiểm; các bên tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải trung thực tuyệt đối, được tự nguyện thỏa thuận, công khai, minh bạch.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, dự kiến bổ sung toàn bộ quy định về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ.

Ngoài ra, sẽ bổ sung toàn bộ các quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm. Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí.

Về quy định chung của hợp đồng bảo hiểm, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại hợp đồng bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm...

Đồng thời, bổ sung các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong giai đoạn 2000 - 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm…

Đến cuối năm 2020, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn, 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn, 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không…

Cá nhân được cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.
Cá nhân được cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.

5 điểm mới của Luật

Không hạn chế quyền tự do kinh doanh

Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng về năng lực và điều kiện cung cấp, Luật cho phép tất cả các tổ chức có tư cách pháp  nhân đáp ứng điều kiện có thể thực hiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Cá nhân được cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.

Cá nhân không bị hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh đối với 4 dịch vụ phụ trợ bảo hiểm còn lại, có thể thực hiện thông qua tổ chức dưới các hình thức như là chủ đầu tư, tham gia góp vốn thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, là nhân viên của các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Các tổ chức không có tư cách pháp nhân cũng không bị hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh, được thực hiện dưới tư cách cá nhân như đã nêu ở trên.

Không quy định điều kiện kinh doanh

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, cần phải được bảo đảm bằng các điều kiện hoạt động cụ thể.

Nội dung của Luật thể hiện việc chuẩn hoá các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trên tinh thần mở cửa, nhưng có sự kiểm soát bằng điều kiện năng lực chuyên môn.

Luật không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm. 

Quy định này phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Đưa ra quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Nhằm phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm một cách chuyên nghiệp và bài bản, bảo đảm an toàn tài chính đối với thị trường bảo hiểm, bảo vệ quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm, chất lượng việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài, Luật và Nghị định đã quy định tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn lựa chọn, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đối với cả đối tượng cung cấp trong nước và nước ngoài.

Không phân biệt nhà đầu tư

Điều này sẽ tạo môi trường pháp lý bình đẳng, ổn định cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động, giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong nước, đáp ứng nguyên tắc Đối xử Quốc gia (NT) trong Hiệp định CPTPP. Việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới được quy định tại Luật và quy định chi tiết tại Nghị định số 80/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được áp dụng chung cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Quản lý và giám sát phù hợp

Cơ chế quản lý, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật số 42/2019/QH14, trên tinh thần không quy định về cấp phép mà chỉ thực hiện hậu kiểm.

Không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài

Nội dung quản lý, giám sát bao gồm: việc đáp ứng về điều kiện, nguyên tắc, trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Nội dung cụ thể về quản lý, giám sát dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 80/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm:

a). Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: giám sát thông qua công tác tiền kiểm (cấp phép) và hậu kiểm (giám sát hoạt động tài chính, nghiệp vụ, quản trị rủi ro, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính).

b). Đối với tổ chức khác cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: giám sát thông qua công tác hậu kiểm (chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính).

c). Đối với cá nhân: quản lý việc thi, cấp, công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm; nội dung chương trình đào tạo.

d). Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài: Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý, giám sát thông qua tiền kiểm (qua phương thức cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, hoặc hợp tác với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam; kiểm soát về điều kiện, tiêu chuẩn) và hậu kiểm (chế độ báo cáo; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng của các tổ chức cung cấp trong nước, xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài).

An Nguyên