Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm: Chú trọng vấn đề phá sản doanh nghiệp bảo hiểm

05:56 16/06/2021

Một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự...

Chiều 15/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại cuộc họp
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, thành viên của Hội đồng là đại diện các Bộ, ngành liên quan.

Nhận định đến từ Bộ Tài chính cho hay, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019). Ghi nhận thực tiễn cho thấy, sau hơn 20 năm thi hành, các chính sách của Luật đã phát huy tác dụng, là căn cứ, cơ sở pháp lý để xây dựng khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường bảo hiểm cũng đã thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự (không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm). Thực tế này dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Điển hình dễ nhận thấy là việc còn thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia. (Ảnh: minh họa)

Bên cạnh đó, có những quy định đã được thay đổi tại Bộ luật Dân sự nhưng chưa được cập nhật tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, cụ thể như việc xử lý các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm; thời điểm hiệu lực hợp đồng, thời điểm phát sinh trách nhiệm; quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm, quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm; đặc biệt là nghĩa vụ cung cấp thông tin trên nguyên tắc trung thực tuyệt đối…

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách, cần thiết bải sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Được biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 77 điều, bổ sung 55 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 22 điều.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị, đối với các vấn đề về hợp đồng bảo hiểm nên áp dụng theo các quy định mang tính ưu việt của Bộ luật Dân sự, còn dự thảo Luật chỉ quy định vấn đề đặc thù như xác định hợp đồng bảo hiểm chia giá trị, vấn đề bồi thường thiệt hại ấn định...

Với đối tượng có thu nhập thấp nói chung và phụ nữ có thu nhập thấp nói riêng thì bảo hiểm vi mô có vai trò quan trọng. Đây là loại hình bảo hiểm được coi là "trụ cột của an sinh xã hội" và có nhiều đặc thù khác với bảo hiểm thương mại. Tuy nhiên, quy định bảo hiểm vi mô theo dự luật lại dự kiến tổ chức theo loại hình bảo hiểm tương hỗ. Trong khi đó, trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào thành lập theo quy định tại Nghị định 18/2005/NĐ-CP của Bộ Tài chính. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm vấn đề này để khả thi trong thực tế, đồng thời đề xuất đổi tên Chương 4 từ "Bảo hiểm vi mô" thành "Tổ chức bảo hiểm vi mô"…

Đáng chú ý, vấn đề phá sản doanh nghiệp bảo hiểm được coi là nội dung phức tạp. Yêu cầu đặt ra là dự thảo luật cần xác định rõ chủ thể nào nộp hồ sơ phá sản, trách nhiệm các bên và chủ thể liên quan, chi phí phá sản được chi trả thế nào.

Các chính sách đầu tư tại Việt Nam quy định rõ Nhà nước thừa nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài của các hoạt động đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp bảo hiểm khi hết hạn giấy phép đầu tư cần gia hạn giấy phép để tiếp tục hoạt động, bảo vệ khách hàng.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia. Theo đó, trong mọi trường hợp chấm dứt hoạt động vì bất cứ lý do gì, doanh nghiệp bảo hiểm phải giải quyết tất cả quyền lợi đã cam kết với khách hàng trước khi chính thức ngưng hoạt động.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hoá 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Theo đó, dự thảo Luật tập trung vào các nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; các chính sách về mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm; chính sách về khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm chuẩn mực hoá các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nâng cao hoạt động bảo hiểm; về bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kinh doanh bảo hiểm; chính sách về hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp; chính sách về hoàn thiện quy định về công tác quản lý nhà nước.

Nêu ý kiến tại cuộc họp thẩm định, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, dự thảo luật bảo đảm sự phù hợp với mục đích yêu cầu đã được xác định tại Nghị quyết của Chính phủ, phù hợp với chủ trương, đường lối và pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là phù hợp với Nghị quyết số 11-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dự thảo Luật cũng đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất phù hợp với Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng và có so sánh với các quy định hiện hành của các luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản doanh nghiệp… nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tương thích giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Bảo Ngân