Sự thành công của Việt Nam qua góc nhìn của truyền thông quốc tế

09:43 30/01/2021

Truyền thông quốc tế những ngày vừa qua đã đưa tin về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và nêu bật những thành công của Việt Nam.

Báo điện tử Times Kuwait mới đây đã đăng bài viết về việc Việt Nam tổ chức Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo nhận định, đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2021.

Với những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2020 nói riêng và trong 5 năm qua nói chung, Việt Nam đã ghi dấu ấn bằng những đột phá, thành công nổi bật trong những hoàn cảnh khó khăn.

Theo tác giả bài báo, trong nhiều năm qua, Việt Nam được biết đến là một quốc gia an toàn và chỉ số về an ninh con người đang được cải thiện. Với sự ổn định về chính trị, người dân Việt Nam hiện nay tin tưởng vào hệ thống chính trị và các cấp lãnh đạo của Đảng, do đó các quyết sách quan trọng của Đảng thường được người dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ.

Báo điện tử Times Kuwait mới đây đã đăng bài viết về việc Việt Nam tổ chức Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo nhận định đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2021
Báo điện tử Times Kuwait nhận định Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2021.

Times Kuwait nhấn mạnh về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã nằm trong nhóm 10 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Năm 2020, khi phần lớn các quốc gia có tăng trưởng âm hoặc đi vào suy thoái do ảnh hưởng của dịch, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức 2,91%. Ngoài ra, Việt Nam cũng được coi là một “trung tâm sản xuất” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Đặc biệt, Times Kuwait nêu rõ, trong những năm qua, dấu ấn nổi bật của Việt Nam là đã thể hiện rõ vai trò kết nối, nâng cao quan hệ hữu nghị, hợp tác và làm sâu sắc hơn lòng tin giữa các nước trong và ngoài khu vực. Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng kế hoạch chiến lược dài hạn về đối ngoại và phát triển kinh tế. Quan hệ ngoại giao và hội nhập quốc tế đạt được những thành công quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.

Trong khi đó, báo Kommersant (Thương gia), một trong những tờ báo in uy tín nhất ở Nga, ngày 26/1 đã đăng tải bài viết về việc Việt Nam tổ chức Đại hội XIII của Đảng. Bài viết với tiêu đề “Đại hội XIII xác định tương lai của Việt Nam” đăng trên cả báo in và trên trang điện tử của báo này.

Theo bài báo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc Đại hội lần thứ XIII tại Hà Nội. Các đại biểu sẽ hoàn thiện và cập nhật chiến lược phát triển đất nước trong những năm tới và bầu ban lãnh đạo mới.

Trong dự thảo các văn kiện của Đại hội có lưu ý đến mốc thời gian năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản - Việt Nam chuyển sang trạng thái phát triển năng động, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trên mức trung bình của thế giới. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày tuyên bố độc lập, nhiệm vụ đặt ra là Việt Nam đạt được các chỉ số của một quốc gia phát triển với thu nhập cao.

Báo Kommersant nhận định Việt Nam đang triển khai những tư tưởng kinh điển của chủ nghĩa Mác kết hợp với đặc điểm dân tộc, đồng thời đang nỗ lực khẳng định tính hiệu quả của mô hình phát triển với mục tiêu là tạo ra một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở châu Á.

Đồng thời, nhờ những cải cách kinh tế được thực hiện trong nước, mô hình Việt Nam đã cho thấy hiệu quả và đang trên đường đa dạng hóa cũng như chinh phục thị trường nước ngoài.

Báo Pretoria News của Nam Phi ngày 29/1 đăng bài viết với tiêu đề “Dấu mốc lịch sử của Việt Nam” của Tổng biên tập Valerie Boje, trong đó đánh giá cao nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Theo tác giả, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu, như: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước; thúc đẩy đại đoàn kết dân tộc; đẩy mạnh đổi mới; bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong bài viết, tác giả đánh giá Việt Nam đã và đang đóng vai trò tích cực trong các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực, thực hiện đường lối đối ngoại đa phương và hữu nghị, công nhận độc lập, tự chủ của các nước có chủ quyền, tìm kiếm hòa bình, hợp tác và phát triển trong các mối quan hệ quốc tế.

The Diplomatic Society-tờ báo của Nam Phi đã đăng tải bài viết đánh giá cao thành tựu 35 năm phát triển mang tính đổi mới sáng tạo của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo bài viết, Đại hội XIII ghi nhận thực tế rằng, nhân dân là trung tâm của câu chuyện phát triển thành công ở quốc gia Đông Nam Á này. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt mức 2,91%, cao thứ hai trên thế giới ngay cả khi đại dịch đẩy các nền kinh tế tiên tiến khác vào thế bế tắc, trong đó nhiều nước ghi nhận tăng trưởng âm ở mức hai con số. Điều này có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và ý chí, kỷ luật, sự kiên cường của người dân Việt Nam, cũng như niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ngoài ra, The Straits Times của Singapore, trong bài viết về Đại hội XIII đánh giá năm 2021 sẽ là cơ hội của Việt Nam. Bài viết khẳng định: “Ngôi sao đang lên” của khu vực Đông Nam Á có quyền tự hào về thành tựu phát triển kinh tế và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Năm 2021 có thể là thời điểm đột phá của Việt Nam sau khi đã kiểm soát được đại dịch sớm hơn các nền kinh tế khác trong khu vực. Việt Nam có thể tranh thủ trước các nước khác, đẩy nhanh tốc độ khi các nhà máy trong khu vực vẫn đóng cửa, trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ, y tế và các sản phẩm khác gia tăng.
Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng, ban lãnh đạo mới của Việt Nam cần lưu tâm những thách thức trong nước và những bất trắc bên ngoài có thể cản trở tham vọng của Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và một nền kinh tế công nghiệp hóa vào năm 2030. 

Tờ South China Morning Post (SCMP) có trụ sở ở Hong Kong, Trung Quốc thì viết rằng trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, Việt Nam đã vươn lên, trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực mà ngay cả virus Corona cũng không thể ngăn cản.

Tờ SCMP in quốc kỳ Việt Nam trên nguyên trang đầu trong chuyên trang "Tin trong tuần của châu Á" (số từ ngày 24-30/1), kèm theo dòng chữ "Ngôi sao đang lên của châu Á" và lời chú thích: "Sẵn sàng cho một Việt Nam vươn lên mạnh mẽ".

Theo SCMP, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là một thời khắc quan trọng, đặc biệt hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam đã ghi nhận dấu ấn về năng lực quản lý của Chính phủ.

Thành tích của Việt Nam trên mặt trận chống dịch COVID-19 đã chuyển thành lợi ích kinh tế và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nước ghi nhận tăng trưởng GDP dương trong năm 2020. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 6% vào năm 2021. Đây là thành tựu có thể giúp Việt Nam củng cố vai trò "ngôi sao đang lên" của châu Á, tờ báo nhận định.