Công ty hậu cần Nhật Bản giảm 30% chi phí vận hành khi sử dụng xe tải chạy bằng điện

16:50 12/08/2022

Sử dụng xe tải điện được lắp ráp tại Trung Quốc sẽ giúp SBS Holdings, một công ty hậu cần của Nhật Bản, giảm 30% chi phí vận hành.

Xe tải thử nghiệm của SBS không có phanh đỗ và phích cắm sạc tiêu chuẩn châu Âu để cắt giảm chi phí. Công ty sẽ điều chỉnh các tính năng đó để phù hợp với điều kiện tại Nhật Bản. (Nguồn ảnh của Ryosuke Matsui)
Kể từ mùa thu năm ngoái, SBS đã thử nghiệm một chiếc xe tải điện nhỏ được sản xuất tại Trung Quốc. (Nguồn ảnh của Ryosuke Matsui).

SBS tính toán tổng chi phí mua và vận hành một chiếc xe tải điện rẻ tiền cho hoạt động kinh doanh hậu cần của mình trong vòng 5 năm sẽ thấp hơn 30% so với một chiếc xe chạy bằng xăng.

Theo công ty, một chiếc xe tải điện thông thường có thể đi khoảng 200 km trong một lần sạc và hoạt động hiệu quả như một chiếc xe chạy bằng xăng nhưng lại có thể tiết kiệm đáng kể chi phí. 

Kể từ mùa Thu năm ngoái, SBS đã thử nghiệm một chiếc xe tải điện nhỏ được sản xuất tại Trung Quốc để đánh giá mức độ phù hợp của nó đối với việc giao hàng "chặng cuối" - bước cuối cùng trong công đoạn đưa sản phẩm từ kho chứ hàng đến tận tay khách hàng.  

Trong quá trình thử nghiệm, chiếc xe lái quanh Tokyo trong nhiều điều kiện thử thách khác nhau, bao gồm cả việc lái xe lên dốc.

Kết quả của cuộc thử nghiệm cho thấy, rõ ràng chiếc xe tải điện phù hợp để sử dụng ở Nhật Bản. Phạm vi trung bình cho mỗi lần sạc là khoảng 200 km, ít hơn con số được công bố là 300 km, nhưng đủ cho một ngày hoạt động, chiếc xe cũng có thể giao hơn 100 bưu kiện trong một lần sạc.

Xe có thể khởi động, tăng tốc và giảm tốc trên dốc một cách êm ái và nhẹ nhàng, đồng nghĩa với việc người lái sẽ bớt căng thẳng hơn. Chủ tịch SBS Masahiko Kamata cho biết: “Chúng tôi không thấy có vấn đề gì khi sử dụng chúng cho các dịch vụ chuyển phát".

Chiếc xe trị giá 3,8 triệu yên (tương đương 28.170 USD) cũng đã chứng minh được hiệu quả về chi phí. Theo công ty, tổng chi phí mua và vận hành nó trong 5 năm, bao gồm cả chi phí bảo dưỡng và sạc, thấp hơn khoảng 30% so với chi phí của một chiếc xe chạy bằng xăng.

Thách thức lớn nhất đối với xe điện trong kinh doanh vận tải là cần pin lớn hơn và phạm vi hoạt động dài hơn. Pin lớn thì đồng nghĩa với việc chi phí sẽ lớn hơn .

Để vượt qua trở ngại này, SBS đã nhận được sự hỗ trợ công nghệ quan trọng từ Folofly, một công ty khởi nghiệp xe điện thương mại có trụ sở tại Kyoto. Để giảm giá thành cho 1 chiếc xe, Folofly đã sử dụng pin lithium-iron-phosphate (LFP), một công nghệ pin cũ hơn, rẻ hơn và an toàn hơn so với pin lithium-ion mà xe điện thường sử dụng. Pin Lithium-ion nhẹ hơn, nhưng chứa coban và niken đắt tiền. Pin LFP có chi phí thấp hơn, không yêu cầu nguyên liệu khan hiếm và được dự đoán là sẽ cung cấp một lượng lớn cho các loại xe điện cấp thấp vốn đang rất phổ biến.

Nhược điểm chính của pin LFP là mật độ năng lượng thấp hơn, dẫn đến phạm vi hoạt động ngắn hơn.

Nhưng Folofly có công nghệ cho phép chiếc xe đạt được đủ phạm vi mà đối tác của mình mong muốn. Công nghệ này kiểm soát chính xác việc cung cấp dòng điện từ pin tới động cơ, lần đầu tiên được phát triển cho các mẫu xe thể thao chạy điện. Hiroyasu Koma, Chủ tịch của Folofly, trước đây đã thành lập một nhà sản xuất xe điện khác, nơi đã tạo ra chiếc xe thể thao chạy điện đầu tiên của Nhật Bản.

Koma đã phát triển công nghệ để cung cấp năng lượng hiệu quả cho các động cơ điện hiệu suất cao được sử dụng trong các mẫu xe thể thao chạy điện với một lượng điện tương đối nhỏ. Công nghệ điều khiển dòng điện này đã được sử dụng trong xe tải điện do SBS thử nghiệm.

Chiếc xe này dựa trên một mẫu động cơ xăng được sản xuất và bán ở Trung Quốc. Một số tính năng đã được bổ sung để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt của Nhật Bản. 

Việc sản xuất đã được gia công cho một nhà sản xuất Trung Quốc để giữ giá của chiếc xe dưới 4 triệu yên. Nó sẽ có giá ít nhất 10 triệu yên nếu được phát triển và sản xuất tại Nhật Bản, theo Folofly thông tin lại. Để giảm chi phí, một số tính năng phổ biến đối với ô tô ở Nhật Bản đã bị loại bỏ. 

"Các công ty dịch vụ hậu cần đang phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc giảm lượng khí thải carbon của họ. Chúng tôi cần hành động để đáp ứng yêu cầu đó", Chủ tịch SBS Masahiko Kamata chia sẻ.

Kết quả của quá trình thử nghiệm đã thúc đẩy SBS quyết định thay thế những chiếc xe tải chạy bằng xăng. Bắt đầu từ tháng 9, công ty sẽ mua vài chục xe tải điện từ Folofly mỗi tháng theo kế hoạch điện khí hóa toàn bộ đội xe hơn 10.000 xe của mình, bao gồm cả những xe được sử dụng bởi các công ty đối tác.

SBS sẽ trở thành công ty hậu cần Nhật Bản đầu tiên giới thiệu số lượng lớn xe điện như vậy để vận chuyển hàng hóa.

Nhưng có một vấn đề gặp phải Folofly thiếu kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ bảo trì và sửa chữa. Công ty khởi nghiệp đang tìm cách hợp tác với một công ty vận hành dịch vụ bảo dưỡng xe lớn. Khả năng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đáng tin cậy sẽ quan trọng như việc cải thiện hiệu suất của một chiếc xe trong hành trình mở rộng việc sử dụng xe điện ở Nhật Bản.

Lyly