Sốt sắng gọi vốn, startup dễ dính bẫy 'bán hớ'

00:00 12/10/2020

Doanh thu 0 đồng, không còn khả năng thanh khoản, nhiều startup Việt có nhu cầu tìm nguồn vốn để sinh tồn và đổi mới mô hình kinh doanh. Vốn rất có ý nghĩa nhưng nếu không cẩn thận, startup lại rơi vào bẫy 'bán hớ chính mình" để có được một khoản đầu tư giá rẻ.

Dịch Covid-19 đang đẩy nhiều startup Việt Nam rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, nói một cách nôm na là "ngủ đông" không có doanh thu, hết khả năng thanh khoản.

Doanh thu 0 đồng 

Ông Trần Nguyễn Lê Văn, nhà sáng lập và CEO Vexere cho biết dịch Covid-19 đã cuốn bay mọi thành quả mà Vexere gây dựng. Nguồn tài chính của doanh nghiệp đã hết, trong khi startup khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Nguyên nhân là do đặc điểm chung của doanh nghiệp khởi nghiệp là sản phẩm vô hình, sản phẩm trí tuệ, không có tài sản thế chấp nên dù thời điểm nào đi nữa cũng không vay được vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp rủi ro rất cao nên đa số các ngân hàng chẳng mặn mà quan tâm.

startup-1451-1587721437.jpg

Startup sốt sắng gọi vốn có thể trúng bẫy bán hớ mình (Ảnh: Tư liệu) 

Tương tự, Bon Bon - một startup mới nổi trong ngành du lịch, trước khi chưa có dịch, doanh nghiệp này nhận được khoảng 15-25 khách hàng mỗi ngày, giờ đây con số này là 0. Việc tạm dừng các đường bay quốc tế đến Việt Nam và ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài khiến Bon Bon phải dừng các dịch vụ, hoàn trả phí cho khách đã đặt tour từ trước.

Với tình cảnh khó khăn trên, việc nhận được nguồn đầu tư sẽ quyết định sự sống còn của các startup. Thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã có những startup Việt gọi thành công dòng vốn hàng triệu USD từ quỹ ngoại. Điển hình như tháng 2 vừa qua, Affirma Capital công bố đầu tư 34 triệu USD (khoảng 790 tỷ đồng) vào Công ty Nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) - đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat.

Hay như Go2Joy - startup đặt phòng ngắn hạn tại Việt Nam, đã gọi vốn thành công trong vòng Series A với giá trị 2,5 triệu USD từ STIC Ventures và nhiều nhà đầu tư khác; Waves - nền tảng nội dung chuyên về âm thanh do Kevin Cao và Ben Minh Le thành lập năm ngoái – công bố gọi vốn thành công 1,2 triệu USD trong vòng hạt giống từ đối tác Singapore Insignia Ventures Partners...

Tuy nhiên, không phải tất cả các gam màu đều sáng khi một số startup vội vàng nhận đầu tư trong lúc kinh tế đang trong giai đoạn trầm lắng. Đầu tháng 4, một startup công nghệ y tế đã đổi 20% cổ phần của công ty cho khoản đầu tư 700.000 USD. Giới chuyên gia đánh giá thương vụ này gọi là "startup tiềm năng bị ép giá".

Một số nhà đầu tư cho rằng tin đồn về các startup bị ép giá trong thời điểm này cũng phần nào phản ánh thực tế của thị trường. Hiện, các startup cần vốn để tiếp tục duy trì việc đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh đang lúc thị trường "đóng băng" nên “bán đổ bán tháo” để được một khoản đầu tư giá rẻ.

Đừng để các nhà đầu tư lợi dụng

Ông Eddie Thái, Giám đốc Quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam cho rằng bản năng của nhà đầu tư trong giai đoạn dịch sẽ là “thu quân” về để hỗ trợ cho các startup trong danh mục đầu tư hiện tại của họ. Nếu startup Việt Nam nhận được những hỗ trợ như vậy từ các nhà đầu tư hiện tại của họ sẽ rất tốt.

Còn với các startup gặp khó khăn, theo ông Eddie Thái, hãy suy nghĩ thật kỹ xem mình có nên gọi vốn trong bối cảnh hiện tại không. Gọi vốn có thành công hay không phụ thuộc vào đà tăng trưởng của mình, xu thế thị trường và nhu cầu từ phía nhà đầu tư. Khả năng thiên thời, địa lợi, nhân hoà - cả 3 yếu tố trên đều thuận lợi vào lúc này là rất thấp. Vì thế, các founder nên dành thời gian và trí lực vào việc khác.

Giám đốc Quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam nêu quan điểm: Trừ khi startup đang chuẩn bị hoàn thành một vòng gọi vốn hoặc đang gặp vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền mới nên gọi vốn gấp, còn không thì nên chú tâm vào điều hành startup của mình.

Trong trường hợp cần vốn gấp, startup hãy tập trung vào: Những người trong cuộc (những nhà đầu tư đã đầu tư vào startup của mình trước đó). Lý do rất đơn giản, tương tự như việc giữ chân khách hàng cũ dễ hơn là tìm và thuyết phục khách hàng mới, thuyết phục các nhà đầu tư hiện tại bỏ thêm tiền vào startup của mình sẽ dễ hơn thuyết phục các nhà đầu tư mới. Nhà đầu tư hiện tại hiểu rõ giá trị của startup và họ cũng có động lực để giúp startup sống sót bởi muốn bảo vệ những khoản đầu tư của mình. 

Giám đốc Quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam khuyến nghị việc nên làm nhất của startup là hãy dành thời gian để củng cố lại startup của mình và chuẩn bị thật tốt để gọi vốn sau này. Hãy ngồi lại với đội của mình, xem xét lại chiến lược và câu chuyện gọi vốn, cải thiện sản phẩm và những tài liệu gọi vốn, lập danh sách những nhà đầu tư tiềm năng...

"Đừng để bị các nhà đầu tư lợi dụng, nhưng cũng đừng chỉ chăm chăm tối ưu hoá cho định giá công ty. Giữa thời thế hỗn loạn và bất định, những startup tinh gọn và linh hoạt sẽ là những startup có thể vượt qua khó khăn và phát triển", ông Eddie Thái nhấn mạnh.

Theo luật sư Phạm Thị Thoa, Công ty Luật Apolat Legal, nhà đầu tư cũng thích giá rẻ như bất kỳ ai. Thời điểm này, có rất nhiều mặt hàng hạ giá, thậm chí là đại hạ giá và startup cũng không là ngoại lệ. Nếu một startup đã chứng minh được mô hình kinh doanh của mình là bền vững, nhưng do gặp khó khăn vì đại dịch mà bán cổ phần với giá thấp hơn so với giá trị thực thì các nhà đầu tư đâu dễ bỏ qua?

Vì vậy, bà Thoa cho rằng startup nào vẫn có thể tồn tại thì nên trì hoãn việc gọi vốn từ các nhà đầu tư mới. “Startup có thể tìm đến các nhà đầu tư cũ và dùng các phương án tài chính linh hoạt như khoản vay lãi suất thấp, khoản vay chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi... để thương thảo việc vay mượn vốn. Nhà đầu tư cũ không muốn mất vốn đầu tư của mình vì một startup sụp đổ, sẽ sẵn sàng hỗ trợ trong tình huống bất khả kháng của đại dịch”.

Lê Thúy