Sống sâu như Tùng UFO

11:42 20/04/2022

Phạm Ngọc Anh Tùng người sáng lập Foodmap (Công ty TNHH Công nghệ và thương mại UFO) đã được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Năm 2021, Tùng và Foodmap đại diện của Việt Nam tại vòng chung kết Blue Venture Award thế giới.

Biết Phạm Ngọc Anh Tùng thì lâu, nhưng lần gặp nhau đầu tiên là ở Đà Nẵng, lúc Tùng vừa từ chỗ cắm trại trên đỉnh đèo Hải Vân để ngắm bình minh trở về. Tôi định trao đổi với Tùng về chuyện cạo đầu đi tu ở Myanmar, nhưng lại bị câu chuyện công nghệ nông nghiệp của anh cuốn hút...

Những ngày đầu năm 2022, foodmap.asia công bố gọi vốn thành công 2,9 triệu USD vòng pre-series A để mở rộng quy mô hoạt động.

Danh sách cuộc sống  

Tùng là nhà sáng lập của foodmap.asia, một trang thương mại điện tử thuộc Công ty cổ phần Công nghệ và Thương mại UFO, kết nối trực tiếp giữa những người trồng và sản xuất hàng nông sản với thị trường trong và ngoài nước. Foodmap có nhiều “đồ chơi công nghệ" khá xịn xò, chẳng hạn hệ thống Dtrack truy xuất nguồn gốc, hệ thống marketing tự động, hệ thống kết nối với những sàn thương mại điện tử quốc tế. Nhưng nhìn Tùng lại không công nghệ chút nào. Vì anh chàng người Huế này thích ngồi uống trà, chơi với mấy món đồ cổ nho nhỏ và kiếm được chút thời gian là chạy vô rừng cắm trại.

Tôi nghĩ Tùng nếu không phải dạng người sống bằng năng lượng chữa lành của những khu rừng thì chắc phải thuộc nhóm những người sợ hãi đám đông xã hội, chứ ai đời nhà sáng lập công ty khởi nghiệp mà cứ suốt ngày tắm suối với nướng cá xa lánh cộng đồng như vậy. Cho tới hôm vừa rồi, sinh nhật 32 tuổi của mình, anh chàng thảy ra một danh sách 50 điều mình muốn làm trước tuổi 40, thì tôi mới… hết hồn.

Phạm Ngọc Anh Tùng tại đồi chè Mộc Châu, anh mong muốn trước tuổi 40 thực hiện được một thương hiệu riêng về trà.


Chuyện bắt đầu vào ngày sinh nhật của anh chàng năm 32 tuổi. Tùng chia sẻ 50 điều mà mình mong muốn thực hiện trước 40 tuổi. Tùng bảo rằng, kể từ có list này, từ  5 năm trước, mình cảm thấy không sống phí một ngày nào cả, mỗi phút mỗi giây trôi qua có cảm giác như mình đang làm một điều gì đó trong list này. Có những điều to cần sự nỗ lực rất lớn trong quãng thời gian dài để đạt được, cũng có những điều nhỏ nhỏ nhưng đôi lúc mình quên, chưa sẵn sàng để làm. Nhưng dù sao, tất cả đều làm mình vui, hạnh phúc khi làm được. Và trên hành trình thực hiện những  điều này, mình hiểu mình hơn, khám phá và trải nghiệm được nhiều điều mới mẻ khác.

“Và chúng ta thường cảm thấy hối tiếc vì những điều mình đã không làm hơn những điều mình đã làm. Hy vọng sau tuổi 40 khi nhìn lại, mình thấy thật vui và tự hào”, Tùng tin vào sự vô thường của đời sống và sự hữu hạn của thời gian, nên ráng… sống.

Sống sâu như Tùng, là sống như vầy:

1. Ngắm mùa thu ở Kyoto - đã xong.

2. Điều hành một công ty hơn 100 nhân sự trước 30 tuổi - đã xong.

3. Tổ chức một cuộc triển lãm tranh cá nhân - mới bắt đầu vẽ thôi.

4. Ngắm tuyết rơi ở châu Âu - đã xong.

5. Đi 40 quốc gia và năm châu - mới được 16/40.

6. Thăm bốn thánh tích Phật giáo - mới được ¼.

7. Đến Rome và đứng giữa quảng trường Vatican - đã xong.

8. Ngắm được Bức tranh Mona Lisa ở Louvre - đã xong.

9. Một lần cắm trại trên đỉnh núi ngắm bình minh với biển mây và cắm trại trên bờ biển ngắm bình minh và hoàng hôn - đã xong.

10. Được tắm trong biển có lân tinh phát sáng - đã xong.

11. Tự tay thiết kế một căn nhà - chưa được.

12. Một lần nhuộm tóc bạch kim - chưa được.

13. Có hai đứa con - vẫn còn độc thân.

14. Trở thành một nhà nghiên cứu về Huế và viết một cuốn sách liên quan Huế - chưa.

15. Thông thạo một loại nhạc cụ - chưa…

Trải nghiệm làm nhà sư - một trong 50 điều cần làm trước 40 tuổi của Phạm Ngọc Anh Tùng.


Tôi đọc cái danh sách này mấy lần, và cũng định đánh dấu xem thử mình có vô tình làm được món nào trong đó không, rồi cũng định lấy giấy viết ra bắt chước làm thử một danh sách của mình. Ngày trước, lứa chúng tôi có một cách làm là lên cuộc đua một năm với ba mục tiêu thôi, nhưng phải thỏa cái khả năng là có thể đo đếm được, có thể đạt được với một số sự trợ giúp nhất định. Nhưng đa phần là những thứ rất… công việc, học hành, tiền bạc, chứ không có “đời" và “chất chơi" như Tùng.

À không, nghĩ lại, Tùng sống với cái danh sách này, và biến nó thành một phần cuộc đời mình, cũng chính là biến công việc thành một cuộc chơi đầy sắc màu.

Và hành trình đi tìm những món ăn bị lãng quên

Những ngày cuối năm, tự dưng thấy Tùng trầm tư. Chàng trai Huế hay cười này viết trên Facebook: “Cửa khẩu đóng ngày hôm nay. Hàng ngàn container và hàng chục ngàn tấn nông sản tươi sẽ đi đâu, về đâu? Nước mắt sẽ còn lăn dài cho tới bao giờ? Lối đi nào cho nông sản Việt?”.

Những câu hỏi này, có vẻ “lớn" quá. Mà hình như, mỗi ngày Tùng đều giống một con ong, à không, một con chim ruồi chứ, lụi cụi làm phần việc của mình để giải quyết nỗi đau này của xã hội. Foodmap.asia chính là một phần đóng góp của Tùng để giải bài toán nông sản Việt. Và cùng với Tùng, là nhóm những đối tác xây dựng Liên minh nông đặc sản Việt Nam, bao gồm “Phiên chợ xanh tử tế” của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trà Quế studio - một đơn vị làm sáng tạo mỹ thuật theo hướng bền vững.

Mỗi năm, cái liên minh này sẽ tổ chức cuộc đi tìm những sản vật địa phương còn đang lẩn khuất trong làng quê vì thiếu bàn tay chăm chút của người làm thiết kế bao bì, làm xúc tiến thương mại và làm thị trường để đưa đến tay người dùng trong nước và thế giới. Ngoài những thiết kế đẹp bắt mắt, thì năm nào Tùng cũng đi tìm được một món xưa nào đó đang dần mai một để khôi phục lại làng nghề. Năm ngoái, là chuyện cái bánh ép Huế - món ăn tuổi thơ bị lãng quên trở thành một món ăn nhẹ rất được ưa chuộng. Năm nay thì Tùng tìm được món tưởng quen mà rất lạ: bánh phục linh cổ truyền.

Foodmap có mặt trên thị trường hơn hai năm, là mô hình kết nối trực tiếp từ nông dân và nhà sản xuất, cung ứng nông sản và thực phẩm có nguồn gốc từ hơn 300 trang trại và các nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam.


Quen, là vì ai mà không biết bánh phục linh. Nhưng lạ, là vì những bí mật của ẩm thực Huế xưa lại hay bị lưu lạc phương xa theo dòng người di cư sang châu Âu hoặc lên… Đà Lạt. Tùng đi tìm người sở hữu bộ khuôn đồng làm bánh phục linh kiểu cổ, và hạnh phúc nổ trời khi được ngậm miếng bánh phục linh mà tan hoàn toàn trong miệng, mềm, mịn và hoàn hảo cho một món ăn dân gian vừa ngon vừa lành.

Mà hoá ra, ăn miếng bánh phục linh thì không thể thiếu một ngụm trà. Vậy là… trúng tủ của Tùng. Anh chàng vừa sưu tập sản phẩm để đưa lên Foodmap, lại vừa tranh thủ hỗ trợ các bạn trẻ ở Huế theo đuổi việc giới thiệu trà Huế đi xa hơn, ví dụ hộp trà hoa nhìn rất cưng, hoặc trà nguyên bông sen bỏ vô thấy nở hoa thơm ngát… Có vẻ, mọi mắc xích cuộc đời Tùng đều được kết nối một cách nhuần nhuyễn để… đỡ tốn thời gian sống của anh chàng.

Tôi đọc lại cái danh sách “sống sâu" của Tùng lần nữa, không biết vì sao trong đầu hiện ra một câu của thiền sư: “Ngày mai và kiếp sau, không biết cái nào đến trước”. Câu này, như một loại niệm của nhà Phật là “Niệm chết", để nhắc nhở rằng trên đời này, điều chắc chắn sẽ xảy ra là cái chết, nên phải lo mà sống cho xịn. Và lại nhớ câu châm ngôn sống của Tùng vẫn treo trên tường nhà anh: "Tôi nay ở trọ trần gian / Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời"...

À mà đúng rồi, biệt danh của Tùng là Tùng UFO mà, chắc đi một chiếc đĩa bay xuống trái đất làm nông nghiệp và rong chơi một chút rồi lại bay về phía những ngôi sao xa ngoài kia thôi.

Năm 2019, Foodmap đã vượt qua gần 600 đội từ các quốc gia khác để đoạt giải “Sáng kiến có tác động lớn nhất” (Most Impactful Innovation) tại vòng chung kết Asia Innovates 2019 do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và Quỹ Newton tổ chức. Năm 2020 Foodmap đoạt giải Nhất Startup Hunt Việt Nam, đồng thời được vinh danh là một trong 10 công ty công nghệ nông nghiệp tiêu biểu khu vực APAC và kêu gọi vốn thành công với số tiền 500.000 USD từ Quỹ Wavemaker Partners, Singapore. Đầu năm 2022, Foodmap tiếp tục gọi vốn thành công 2,9 triệu USD.

Phạm Ngọc Anh Tùng đã được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Năm 2021, Tùng và Foodmap đại diện của Việt Nam tại vòng chung kết Blue Venture Award thế giới.

Phần còn lại của danh sách 16. Thăm trường Đại Học Harvard, MIT, Oxford; 17. Sáng tác ba bức tượng; 18. Uống cà phê với Quân ở Singapore; 19. Thu một album nhạc 10 bài hát yêu thích (nếu bài hát tự sáng tác càng tốt); 20. Tìm hiểu nền nông nghiệp Netherland và ngắm cối xay gió ở đó; 21. Chạy marathon 42km; 22. Ngắm mưa sao băng một lần trong đời; 23. Nhảy Bungee hoặc nhảy dù máy bay; 24. Thăm hang Sơn Đòong; 25. Uống cà phê Starbuck với Tuấn và chị Dương tại Mỹ; 26. Leo Phanxinpang; 27. Tắm ở sông Hằng và bơi ở Biển chết; 28. Thông thạo tiếng Nhật hoặc Trung Quốc; 29. Đến thăm tượng Nữ thần Tự do và thung lũng Silicon; 30. Đầu tư du lịch, nông nghiệp hoặc giáo dục ở Huế; 31. Thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp; 32. Dạo bước ở London, đến được Tower Bridge; 33. Gặp Elon Musk; 34. Ăn thịt cá Pirama; 35. Trở thành một blogger về nông nghiệp và du lịch; 36. Đi hết các tỉnh thành ở Việt Nam (41/64); 37. Nuôi một con chó hoặc một con mèo; 38. Tham gia đóng một vai nào đó trong một bộ phim; 39. Bỏ học đại học và không tham gia chính trị trước 40 tuổi; 40. Nấu ăn ngon món Việt (10 món) và ít nhất làm được 10 món bánh; 41. Tập luyện để được một lần sáu múi; 42. Cưỡi ngựa thảo nguyên ở Mông Cổ; 43. Tập hợp lại một phần teams CDF (ít nhất 10 người ) cùng làm gì đó - F1 và mua lại đồi chè Cầu Đất; 44. Thử qua cảm giác không trọng lực; 45. Làm một teahouse, một thương hiệu riêng về trà, viết một cuốn sách trà và trở thành một chuyên gia quốc tế về trà; 46. Tập và biểu diễn tốt trường côn; 47. Được làm và trải nghiệm đời sống của nhà sư trong một khoảng thời gian; 48. Thăm bảy kỳ quan thế giới mới; 49. Đi các bảo tàng: Louvre, Vatican, Metropolitan, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc – Bắc Kinh, British Museum, Acropolis – Athens; 50. Sáng lập và điều hành một Unicorn.

Bung Trần - Ảnh: NVCC/ Theo nguoidothi