Số doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, còn quá ít so với yêu cầu

16:04 10/11/2020

Chỉ 18% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, là con số được ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê (TCTK) chia sẻ sau 2 cuộc khảo sát doanh nghiệp lớn về tác động của dịch bệnh COVID-19 tới nền kinh tế...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chia sẻ những tác động của dịch bệnh COVID-19 tới nền kinh tế và doanh nghiệp, ông Trần Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, TCTK cho biết: Để thống kê những tác động của COVID-19 tới hoạt động của doanh nghiệp (DN) và tháng 4 và tháng 9 với quy mô mỗi lần khoảng 150 nghìn DN.

Thông tin thu được từ 2 cuộc khảo sát cho thấy: Nhìn chung DN có quy mô càng lớn thì chịu tác động từ dịch bệnh càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu do DN có quy mô càng lớn, có chuỗi giá trị liên kết trong nước, toàn cầu càng lớn thì chịu tác động lớn. Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy, DN nhà nước là chịu tác động từ dịch bệnh ít nhất, còn DN FDI là chịu tác động nhiều nhất.

Về ngành kinh tế, ông Thuý cho biết, chịu tác động lớn nhất là các ngành hàng không, du lịch. Trong đó, DN hàng không chịu tác động 100%, sau đó là các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, may mặc, giầy dép, ô tô, điện tử viễn thông.

Về việc làm, tính đến tháng 9/2020, 0,9% lao động mất việc làm, 3,4% lao động nghỉ không lương, 5% lao động nghỉ luân phiên và 7,8% giảm lương.

Quy mô và tỷ lệ lao động trong mà các DN sử dụng so với cùng kỳ năm trước cho thấy: các DN nhỏ suy giảm lao động lớn hơn DN lớn, DN nhỏ còn 89% lao động, giảm trên 10% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp tư nhân lao động giảm còn 91% (giảm 9%); khu vực DN nhà nước lao động chỉ giảm 0,5%.

Trong số các DN thiếu nguyên vật liệu đầu vào, có tới 39,9% DN lớn thiếu nguyên vật liệu đầu vào. Trong đó, một số ngành thiếu nguyên vật liệu đầu vào cao nhất là da giày, dệt may thiếu tới gần 60% nguyên liệu đầu vào.

Đáng chú ý, 72,7% DN có nhu cầu vay vốn do tác động tiêu cực của dịch bệnh nhưng trong đó có tới 85,5% số DN cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận vay vốn. “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp được cho là không đủ điều kiện để vay, không có tài sản thế chấp. Đây là bài toán nan giải cần được đưa ra bàn bạc và có giải pháp”, ông Thuý nói.

Theo đó, ông Thuý đề xuất: Cùng với việc miễn giảm thuế, phí, lệ phí cũng cần lưu ý tới tín dụng hỗ trợ DN với các gói tín dụng, lãi suất vay thấp tối đa với thời gian tối thiểu 2-3 năm.

Về ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ, ông Thuý chia sẻ, có tới 64,9% DN cho rằng thị trường trong nước giảm mạnh trong đó dịch vụ giảm mạnh nhất, với mức suy giảm tới 71,4%.

Trước những tác động lớn của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ nhằm vực dậy DN, nền kinh tế. Tuy nhiên, theo điều tra của TCTK đến nay mới có 17,9% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ từ phía chính phủ. Trong đó, khoảng 10% DN nhận được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41; 10% được gian hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế; còn lại là cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi phí ngân hàng.

Ông Thuý cho rằng, con số DN nhận hỗ trợ nêu trên là quá nhỏ bé so với yêu cầu đã đặt ra.

Đánh giá về tác động của các gói hỗ trợ, bản thân các DN nhận được gói hỗ trợ   cũng chỉ cho ở mức điểm trung bình  - tương đương mức tác động là không đáng kể và một phần là tác động tích cực.

Với 82,1% DN chưa nhận được hỗ trợ, thì có tới 50% là do DN không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ; 21% DN thấy quy trình, thủ tục tiếp cận quá khó khăn và 25% doanh nghiệp không biết về chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Thuý cho biết: 6 nhóm giải pháp được doanh nghiệp đưa ra để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 gồm: Phát triển thị trường tiêu thụ truong nước; thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm chủ lực; tập trung phát triển chuối cung ứng trong nước để thay thế nguồn nhập nhẩu; và sản xuất sản phẩm mới. Trong đó phương án phát triển thị trường tiêu thụ truong nước và thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ là được lựa chọn nhiều nhất.

Gia Gia