Smartphone Android sẽ thế nào khi không được Google hỗ trợ

00:00 12/10/2020

Bên cạnh việc tạm biệt các ứng dụng như Gmail, YouTube hay Search, smartphone Android còn cho trải nghiệm kém hơn do không được hỗ trợ API của Google.

Sau khi bị Google ngừng cấp giấy phép, Huawei được cho là sẽ sử dụng nền tảng riêng mang tên HongMeng, hoặc có thể tìm đến phương án dùng hệ điều hành Aurora của Nga. Nhưng trong trường hợp trung thành với Android bằng phiên bản mã nguồn mở, điện thoại của công ty Trung Quốc được đánh giá không còn sức hấp dẫn do rất nhiều hạn chế.

Smartphone Huawei có thể mang lại trải nghiệm kém nếu dùng Android mã nguồn mở. Ảnh: Phonearena.

Smartphone Huawei có thể mang lại trải nghiệm kém nếu dùng Android mã nguồn mở. Ảnh: Phonearena.

Hạn chế đầu tiên mà người dùng gặp phải là không thể sử dụng loạt dịch vụ do công ty Mỹ cung cấp như Tìm kiếm (Search), Gmail, YouTube, Bản đồ (Map) cũng như cửa hàng ứng dụng khổng lồ Play Store.

Phiên bản mã nguồn mở của Android cho phép bất kỳ ai trên thế giới sử dụng và sửa đổi một cách miễn phí nhưng sẽ không nhận được bản cập nhật, bản vá bảo mật mới nhất và thường xuyên. Do đó, người dùng cũng đối mặt với nguy cơ bị hacker tấn công, nhiễm virus đánh cắp thông tin...

Tuy nhiên, smartphone Android không được Google hỗ trợ còn cho trải nghiệm kém hơn so với bình thường. Trong hệ điều hành này, công ty tìm kiếm Mỹ đưa vào gói ứng dụng Services Framework và API (giao diện lập trình ứng dụng), được tích hợp chặt chẽ với hệ điều hành Android và đồng bộ với tài khoản Google. Vì vậy, ngay cả khi không quan tâm đến phần mềm của công ty Mỹ, người dùng vẫn phải lo lắng về API.

Ví dụ, Firebase Cloud Messaging là nền tảng (platform) miễn phí, hoạt động độc quyền trên Google Framework, có chức năng hỗ trợ kích hoạt thông báo đẩy (push notification). Nếu không có nó, thông báo sẽ không xuất hiện trên màn hình, thanh trạng thái hay bất cứ nơi nào khác. Bên cạnh đó, việc đồng bộ dữ liệu danh bạ, lịch hay hoạt động sao lưu cũng không diễn ra.

Nền tảng Google Play Games cũng có mối quan hệ mật thiết với Framework. Không có nó, người dùng không thể đăng nhập vào trò chơi, lưu trữ hoạt động chơi...

Chất lượng ảnh nếu không dùng API của Google (ngoài cùng bên trái) và dùng API Camera2 (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Phonearena.

Chất lượng ảnh nếu không dùng API của Google (ngoài cùng bên trái) và dùng API Camera2 (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Phonearena.

API Camera2 cũng được đánh giá là khá quan trọng và độc quyền bởi Google. Các nhà sản xuất smartphone có thể tự làm ứng dụng máy ảnh riêng và không phụ thuộc vào nó. Nhưng với nhà phát triển Snapchat, Instagram, Facebook... API Camera2 giúp tăng hiệu suất sử dụng camera điện thoại cũng như hỗ trợ các bộ lọc ảnh.

Ngoài ra, Location Services của Google cũng đóng vai trò mật thiết trong phần mềm chỉ đường thông qua GPS. Nếu không có, các hoạt động điều hướng, chia sẻ vị trí, xác định tháp di động gần nhất để kết nối... cũng bị tê liệt.

Tất nhiên, những platform và API trên không phải là không thể thay thế. Một số smartphone tại Trung Quốc - vốn không dùng dịch vụ của Google - đã sử dụng Yalp Store hoặc APKMirror để tải và cài đặt file *.apk. Baidu, Tencent, QQ cũng đưa ra các API giúp đồng bộ hóa tài khoản với cửa hàng ứng dụng riêng. Về mặt kỹ thuật, những sản phẩm của những công ty như Huawei sau khi bị Google cấm sẽ không bị ảnh hưởng tại thị trường quê nhà.

Tuy vậy, nếu Huawei hay bất kỳ công ty nào bị chặn giấy phép Android muốn kinh doanh ở thị trường quốc tế, họ buộc phải làm thủ công nhiều thứ, trong đó có cập nhật ứng dụng hoàn toàn bằng tay. Thậm chí, họ có thể buộc phải từ bỏ một số phần mềm có cấu trúc phụ thuộc quá nhiều vào platform và API của Google.

Bảo Lâm (theo Phonearena)

Tags: