Siết kiểm tra đường nhập khẩu ngăn chặn gian lận về xuất xứ

19:35 12/11/2021

Cơ quan Hải quan sẽ triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn các nguy cơ gian lận về xuất xứ, trị giá hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại trong nhập khẩu mặt hàng đường.

Phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm

Liên quan đến vấn đề này, đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Đến ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan.

Chỉ sau 3 tháng Bộ Công Thương ban hành tiếp Quyết định 2171/QĐ-BCT ngày 21/9/2021 về việc điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía. Do khối lượng nhập khẩu đường từ một số nước ASEAN (gồm: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar) tăng đột biến sau khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá cho mặt hàng đường xuất xứ Thái Lan.

Hải quan An Giang kiểm tra đường nhập khẩu
Hải quan An Giang kiểm tra đường nhập khẩu.

Trên cơ sở Quyết định 477/QĐ-BCT, cũng như theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường Việt Nam và qua theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng đường trong thời gian qua, cơ quan Hải quan cũng phát hiện có dấu hiệu một số doanh nghiệp lợi dụng khai báo không chính xác thông tin hàng hóa nhập khẩu để gian lận về mã HS, xuất xứ, số lượng, trị giá hải quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại; dấu hiệu buôn lậu mặt hàng đường qua biên giới Tây Nam…

Trước tình hình đó, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn đối với hàng các hành vi vi phạm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan: An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh và Gia Lai-Kom Tum chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc khi làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng đường nhập khẩu cần thực hiện đúng quy định.

Tăng cường thu thập thông tin, ngăn chặn hành vi buôn lậu

Các đơn vị tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm rõ diễn biến tình hình về hoạt động nhập khẩu mặt hàng đường tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới, đặc biệt là qua các khu vực đường mòn, lối mở. Trong đó, Tổng cục yêu cầu các đơn vị tập trung chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát hải quan nhằm ngăn ngừa, phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu, chuyển tải bất hợp phát mặt hàng đường trên địa bàn quản lý.

Phối hợp chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng trên địa bàn như: Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường đấu tranh ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới, các hành vi vi phạm pháp luật hải quan.

Liên quan đến công tác giám sát hải quan đối với đường mía nhập khẩu thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52c Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC và phải đối chiếu phù hợp với Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu.

Đối với tờ khai hải quan có số lượng hàng hóa lớn, được vận chuyển bằng nhiều phương tiện vận tải nhập cảnh, đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát, người khai hải quan chỉ được phép thực hiện đưa hàng qua khu vực giám sát sau khi toàn bộ hàng khai báo trên tờ khai hải quan đã được vận chuyển đầy đủ đến kho, bãi, địa điểm tập kết tại cửa khẩu đường bộ trong lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát nhưng hàng hoá khai báo trên tờ khai hải quan chưa được vận chuyển đầy đủ đến kho, bãi, địa điểm, nếu người khai hải quan muốn đưa hàng hoá nhập khẩu qua khu vực giám sát thì cơ quan Hải quan hướng dẫn người khai hải quan thực hiện khai bổ sung tờ khai hải quan theo đúng lượng hàng đã được vận chuyển đến cửa khẩu trong lãnh thổ Việt Nam để thực hiện tiếp các thủ tục hải theo quy định.

Việc xác nhận hàng hóa nhập khẩu qua khu vực giám sát hải quan hoặc cập nhật thông tin hàng hóa vận chuyển đi trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan phải được thực hiện ngay sau khi hàng hóa đã qua khu vực giám sát hải quan và phải ghi nhận đầy đủ thông tin về thời gian, biển kiểm soát của phương tiện, số lượng, trọng lượng hàng hóa của từng phương tiện vận chuyển hàng hóa qua khu vực giám sát trên hệ thống Ecustoms 5.

Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, phát hiện các hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gian lận trốn thuế hoặc mặt hàng nhập khẩu có nghi vấn về trị giá, nhãn hiệu, số lượng thì thiết lập tiêu chí, đưa vào diện có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp, đồng thời tiến hành kiểm tra sau thông quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố rà soát chấn chỉnh cán bộ công chức trong quá trình làm thủ tục hải quan để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật và của ngành. Xử lý nghiêm cán bộ công chức không làm hết trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định.

Tiếp tục tiếp nhận, trao đổi thông tin với Hiệp hội Mía đường Việt Nam về các hoạt động buôn bán, nhập khẩu mặt hàng đường trên địa bàn và áp dụng biện pháp kiểm soát phù hợp.

PV (tổng hợp)