Sau 9 tháng, hơn 96 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước

00:00 12/10/2020

Tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Số lượng nhiều biến động

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%. Nếu tính cả 1.881,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 22.897 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2018 là 819,7 nghìn người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 10.591 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8% và tăng 32%.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%. 

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 10.591 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8% và tăng 32%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 43%; xây dựng có 1,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 40,4%. Riêng tháng 9, cả nước có 9.163 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 84,8 nghìn tỷ đồng, giảm 21,4% về số doanh nghiệp và giảm 21,2% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Tìm nguyên nhân, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2018 cho thấy: Có 43,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 17,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. 

Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất khi có tới 92,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý trước; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước lần lượt là 87,5 % và 86,9%.

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý III năm nay, có 59,6% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có 45,1% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,9% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 29,9% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 27,1% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao và 23,8% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.

Về đơn đặt hàng, có 39,1% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III năm nay cao hơn quý trước; 17,3% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 43,6% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý IV tiếp tục khả quan hơn so với quý III năm 2018, có 47,9% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 10,9% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. 

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý III năm nay so với quý trước, có 34,4% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 15% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 50,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý IV so với quý III năm 2018, có 40,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 48,4% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần lưu ý về số lượng doanh nghiệp giải thể, từ đó tìm nguyên nhân khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp. “Cần rà soát bổ sung hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất hơn các điều kiện kinh doanh vốn vẫn đang là rào cản. DN trông chờ cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm trên thị trường”, ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị.

Huy Thắng