Sau 1 năm thực thi Lệnh 248 và 249 của doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc

17:41 08/12/2022

Lệnh 248, 249 là một tiêu biểu cho sự phối hợp liên ngành trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trước diễn biến mới về yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Sau 1 năm thực thi Lệnh 248 và 249 của doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc
Sau 1 năm thực thi Lệnh 248 và 249 của doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc.

Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam cho biết, gần 1 năm Lệnh 248, 249 có hiệu lực, đến ngày 5/12/2022, đã có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số hai nhóm này, các sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...), và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...

Trưởng phòng An toàn thực phẩm và Công nghệ sinh học, Vụ Khoa học Công nghệ - Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá, nỗ lực của Văn phòng SPS Việt Nam trong việc triển khai Lệnh 248, 249 là một tiêu biểu cho sự phối hợp liên ngành trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trước diễn biến mới về yêu cầu của các nước nhập khẩu. Ở đây, đã có sự phân định rõ ràng, rành mạch, không có sự trùng, trống về trách nhiệm cũng như thẩm quyền của các cơ quan chức năng của các bộ, ngành. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Việc xây dựng mã số vùng trồng đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng. Chưa kể, còn có doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ Lệnh 248 và 249 nên khi triển khai đăng ký còn nhiều lúng túng, dẫn đến chậm thông quan. Hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn ở sản phẩm thô, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Công tác triển khai, thực hiện cấp mã số đang gặp khó khăn do vùng trồng còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực để định vị, xác định vùng trồng, khó quản lý các vùng trồng...

Trước những thách thức đó, ông Nguyễn Tấn Nhơn đề xuất các địa phương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự minh bạch trong sản xuất, cung ứng, không để gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, cùng phối hợp để tạo dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng bảo đảm chất lượng, sản lượng khi cung ứng cho đối tác Trung Quốc.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long Huỳnh Kim Định cho biết tỉnh đã cấp 38 mã số vùng trồng; để việc cấp, quản lý mã số vùng trồng địa phương được thuận lợi, hiệu quả, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.

Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa lưu ý, Lệnh 248 không điều chỉnh việc đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Trung Quốc không yêu cầu tất cả doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm hoa quả tươi, hoa quả nhiệt đới của Việt Nam phải đăng ký và phải có mã số mới được cấp phép. Phía bạn chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc, khi làm thủ tục kiểm dịch ở phía Trung Quốc thì hàng hóa trên bao bì nhãn mác phải rõ ràng thông tin, có mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng.

Do đó, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương sản xuất và Cục Bảo vệ thực vật để cấp và quản lý được mã số khoa học, minh bạch. Các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu phải công khai, minh bạch, không khai gian lận... nếu bị phát hiện có thể bị hủy tư cách xuất khẩu. Ngoài ra, tất cả sản phẩm thực phẩm phải đăng ký thông qua cơ quan quản lý Nhà nước từ phía Việt Nam mới đủ điều kiện để xuất đi Trung Quốc. Sắp tới, phía bạn sẽ kiểm tra rất nghiêm ngặt mức độ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu. Các doanh nghiệp, bản thân các đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phải chủ động cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời để bảo đảm theo những yêu cầu từ phía bạn.

PV (t/h)