Sản xuất có bị “ngăn sông cấm chợ”?

11:41 16/05/2021

Câu hỏi này đang được nhiều doanh nghiệp đặt ra, khi các tỉnh thành khu vực miền Trung liên tục có chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, đồng nghĩa với chủ trương cách ly địa phương với địa phương và “cấm cửa” xe cơ giới qua lại. Việc này cản trở hoạt động vận tải hàng hóa giữa các địa phương, ảnh hưởng trực tiếp các doanh nghiệp sản xuất và đi ngược chỉ đạo chung từ Chính phủ, chống dịch nhưng không làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vận tải hàng hóa doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mùa dịch do thiếu chỉ đạo thống nhất của các địa phương.
Vận tải hàng hóa doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mùa dịch do thiếu chỉ đạo thống nhất của các địa phương.

Đặc biệt ở các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Đà Nẵng, chỉ đạo cấm ngặt đi lại giữa các địa phương đang gây khó cho rất nhiều doanh nghiệp làm ăn, sản xuất nơi đây.

Xe gì cũng cấm qua?

Ông Hoàng N.H, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, điện máy Đà Nẵng tâm tư, ngày 14/5/2021 vừa qua, ông đích thân lái xe tải chở lô hàng quạt máy ra Quảng Bình giao cho khách hàng, nhưng đến khu vực giáp ranh giữa Quảng Bình – Quảng Trị đã bị chốt phòng dịch cấm đi qua. Lý do lực lượng chức năng đưa ra, là tỉnh có chỉ đạo cấm tất cả xe cộ đi lại giữa hai địa phương, và là xe tải biển số Đà Nẵng, tức đi ra từ vùng có dịch, thì tuyệt đối không cho đi vào địa phận Quảng Bình.

Khi ông N.H yêu cầu giải thích tại sao có chỉ thị như vậy, và xe tải của ông chỉ chở hàng hóa, có hóa đơn, chứng từ đàng hoàng, lại không được đi qua, bộ phận chốt chặn không trả lời, nhất định “đuổi” ông quay lại Đà Nẵng. Uất ức nhưng không làm gì được, ông phải đem xe quay lại Đà Nẵng, và lại bị các chốt chặn ở Huế tiếp tục làm khó, giải thích mãi mới đi qua được.

Hàng không giao được, lại mất thêm chi phí, công sức chở hàng, ông N.H nêu câu hỏi: Làm sao các doanh nghiệp sản xuất của chúng tôi trụ vững được nữa, khi sau một thời gian dài khó khăn vì dịch bệnh, nay lại tiếp tục bị nạn “ngăn sông cấm chợ” giữa các tỉnh thành làm khó?

Cùng tâm tư này, chị T.T, giám đốc một đơn vị chuyên vận tải hàng hóa tại Huế kể khổ, từ khi chính quyền địa phương có chỉ thị cấm ngặt việc luân chuyển hành khách vào địa bàn tỉnh, nhất là giới hạn khách đi từ Đà Nẵng ra, hoạt động vận tải của đơn vị chị rất khó khăn. Do yêu cầu của khách, đa số xe tải đơn vị sẽ chở hàng vào Đà Nẵng giao và quay trở lại, và lần nào cũng bị vướng mắc ở chốt ngăn phòng dịch giữa hai địa phương. Dù các tài xế có giải thích thế nào, lực lượng chức năng vẫn khăng khăng không cho đi qua, thậm chí “dọa bắt cách ly” tài xế và phụ xe nếu cứ lý luận. Cực quá, chỉ T.T phải chỉ đạo cánh lái xe khai báo “chỉ đi ngang xe qua Huế, vì chạy chở hàng về Quảng Trị, Hà Tĩnh”, các xe mới đi lại được.

“Phòng dịch là ưu tiên số một, ai cũng hiểu như thế rồi. Nhưng lấy cớ ngăn dịch mà cấm cửa, xe nào cũng không cho đi qua, thì có phải vô lý không?”. Chị T.T thắc mắc như vậy.

Cần chính quyền địa phương nói rõ!

Theo các doanh nghiệp, những ghi nhận từ chỉ đạo của Chính phủ thời gian qua trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 thể hiện quan điểm quyết liệt chống dịch nhưng không làm ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu kép. Đây là lý do khiến các tỉnh thành rất thận trọng khi đưa ra các quyết định liên quan giãn cách xã hội, tránh để những người dân thu nhập thấp bị ảnh hưởng sinh kế và doanh nghiệp gặp thêm khó khăn.

Đơn cử chính quyền Đà Nẵng, tại thời điểm dịch bệnh giữa năm 2020 rất kiên quyết chỉ đạo giãn cách xã hội toàn diện, nhưng đến nay lựa chọn giãn cách “mềm” để vận động người dân tuân thủ phòng dịch mà không ảnh hưởng sinh kế làm ăn. Lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng cũng rất minh bạch để trao đổi với báo giới, không chủ trương giãn cách xã hội nữa, và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh.

Ngay tại vụ việc khu công nghiệp An Đồn (Sơn Trà, Đà Nẵng) phát sinh ổ dịch mới, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng không đồng ý tạm phong tỏa một số khu công nghiệp trên địa bàn, mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường công tác chống dịch, thực hiện cách ly những khu vực nóng và tổ chức sản xuất có khoảng cách an toàn.

Với tinh thần hỗ trợ sản xuất, nỗ lực cân bằng đạt mục tiêu kép như vậy, có thể nói Đà Nẵng và các tỉnh thành miền Trung đều khẳng định không chủ trương “ngăn sông cấm chợ” trong vận tải hàng hóa, giúp các doanh nghiệp ổn định làm ăn sản xuất. Tại các cuộc họp chỉ đạo chống dịch ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… đều ghi nhận lãnh đạo địa phương nhắc nhở các đơn vị quản lý chú ý công tác sản xuất tại địa phương, hết sức giúp doanh nghiệp thông quan hàng hóa xuất khẩu, giao thương thuận lợi ra thị trường.

Vậy nên, một số biểu hiện cực đoan, cứng nhắc đang xảy ra ở một số điểm chốt chặn ngăn ngừa dịch, tại các tỉnh thành từ Quảng Bình vào Đà Nẵng, đang rất cần được chính quyền các địa phương nói rõ chủ trương và chỉ đạo nghiêm túc, đối với hoạt động vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp. Sự thật phản ảnh của các doanh nghiệp cho thấy, tình trạng “trên thông dưới tắc” vẫn đang tồn tại với họ và làm thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, hoàn toàn đi ngược chủ trương chung của Chính phủ và các địa phương.

Nguyên Đức