Sản phẩm nông- lâm - thủy sản Nghệ An có rất nhiều tiềm năng để vào các chuỗi siêu thị và xuất khẩu

20:26 12/11/2021

Đó là nhận định của bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt và một số sản phẩm của tỉnh này…

  Buổi làm việc về kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Nghệ An.

Chiều nay (12/11), Đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội và Công ty dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt và một số sản phẩm của tỉnh. Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá: Các sản phẩm nông – lâm - thủy sản của Nghệ An có rất nhiều tiềm năng để vào các chuỗi siêu thị và xuất khẩu. Đề nghị Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce kết nối với các công ty, hợp tác chế biến nông sản của Nghệ An để đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh Nghệ An tăng cường tham gia các hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại sản phẩm hàng hóa gắn với thương mại điện tử. 

 Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá: Các sản phẩm nông – lâm - thủy sản của Nghệ An có rất nhiều tiềm năng để vào các chuỗi siêu thị và xuất khẩu .

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc thường trực của Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce cho biết: Hiện nay đã có một số sản phẩm của tỉnh Nghệ An vào hệ thống chuỗi siêu thị Winmart, chuỗi cửa hàng Winmart+ trên toàn quốc. Trong thời gian tới, Công ty sẽ làm việc với các địa phương để kết nối đưa một số sản phẩm nông sản của tỉnh vào siêu thị, chuỗi cửa hàng của công ty. 

  Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Thường trực của Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ UBND tỉnh Nghệ An mong muốn: Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) quan tâm hỗ trợ, kết nối đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Nghệ An vào các hệ thống siêu thị, các hệ thống phân phối hàng hóa lớn, các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước để sản phẩm hàng hóa Nghệ An từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Phía Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce tăng cường công tác khảo sát, lựa chọn và đưa sản phẩm nông nghiệp Nghệ An vào chuỗi siêu thị Winmart, chuỗi cửa hàng Winmart+ trên toàn quốc để tiêu thụ, giúp sản phẩm Nghệ An có thể phát triển bền vững, ổn định.

Được biết, tình hình sản xuất và tiêu thụ cam Vinh, sản xuất cam Vinh niên vụ 2021-2022 ước đạt 38.000 tấn, quýt PQ ước đạt 13.000 tấn. Hiện nay, cam Vinh, quýt PQ đã bắt đầu vào vụ thu hoạch và kéo dài đến tháng 1, 2 năm 2022. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 nhà máy chế biến nước quả, đó là: Nhà máy chế biến nước dứa cô đặc của Công ty CP Thực phẩm NaFoods; Nhà máy chế biến nước quả, nước thảo dược Núi Tiên đều hoạt động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nguồn nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ khó khăn. 

  Đặc sản cam Xã Đoài - "linh hồn" của cam Vinh (Nghệ An).

Ngành chế biến thủy sản Nghệ An tập trung chủ yếu tại các huyện ven biển như: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò. Sản lượng nước mắm truyền thống sản xuất trong tỉnh ước đạt 12- 15 triệu lít/năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Lượng nước mắm còn tồn tại các cơ sở sản xuất trong tỉnh khoảng 5 - 6 triệu lít.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có một số nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp như Nhà máy chế biến thủy sản 38B, Nhà máy Royal Foods. Ngoài ra có hàng trăm hộ chế biến tại các địa phương gồm: Thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, thị xã Cửa Lò...

Nghệ An là địa phương có số lượng cơ sở chế biến giò chả lớn, hiện có 182 cơ sở chế biến đã được cấp Giấy cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản lượng chế biến mỗi năm khoảng 6.500 - 8.000 tấn với các sản phẩm: Giò lợn, giò bò, giò bê, chả, xúc xích…chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Hiện nay, chế biến lâm sản trên địa bàn Nghệ An khá đa dạng, bao gồm các sản phẩm: Đồ mộc (mộc dân dụng và hàng thủ công mỹ nghệ), ván nhân tạo (ván ghép thanh, ván bóc), viên nén (than), giấy và bột giấy, dăm nguyên liệu và chế biến phi gỗ (mây tre đan, dầu nhựa thông, tăm, đũa,...). Năm 2020, chế biến gỗ xẻ đạt trên 30.000m3, chế biến đồ mộc trên 8.000m3, dăm 1,055 triệu tấn. Ngoài sản phẩm chế biến từ gỗ, hiện nay một số công ty đã đầu tư chế biến dược liệu như: Tập đoàn TH đầu tư chế biến dược liệu ở Mường Lống (huyện Kỳ Sơn); Công ty CP dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông)... 

  Sản phẩm OCOP trà Minh Sáng - đặc sản của huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Trong 2 năm 2019 -2020, toàn tỉnh Nghệ An đã có 16/21 huyện, thành, thị tổ chức đánh giá, phân hạng và có 113 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, trong đó: Có 87 sản phẩm đạt 03 sao, chiếm 77,0% và 26 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 23%. Năm 2021, các huyện, thị, thành của Nghệ An đã triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Song, đa phần sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An vẫn đang tiêu thụ theo phương thức cũ, dễ bị tổn thương bởi thị trường. Hàng năm vào chính vụ thu hoạch nông sản vẫn có hiện tượng “được mùa mất giá”. Theo các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh, chế biến nông sản củaNghệ An cho biết, hiện nay các sản phẩm vào các chuỗi siêu thị rất khó khăn. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu về lượng hàng hóa lớn của các siêu thị. Hơn nữa, các sản phẩm cũng chưa đáp ứng được các thủ tục pháp lý mà các siêu thị yêu cầu...

Văn Cương – Hương Giang