“Ranh giới” - bộ phim tài liệu Việt Nam gây xúc động mạnh tới khán giả

23:55 08/09/2021

"Ranh giới" là bộ phim tài liệu thứ 6 của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt. Đây là sản phẩm của anh và đồng nghiệp sau chuyến tác nghiệp vào TP Hồ Chí Minh trong những ngày cuối tháng 7/2021, khi nơi ấy đang là tâm dịch COVID-19 của cả nước.

Theo VTV, hành trang ngày trở về của người đạo diễn là hai bộ phim tài liệu, mang tên "Ranh giới" và "Ngày con chào đời". "Ranh giới" là bộ phim thứ nhất, lên sóng trước vào tối qua (8/9). Bối cảnh thực hiện của phim là khu K1 thuộc bệnh viện sản phụ Hùng Vương trong thành phố. Đây là khu điều trị lớn nhất, được hoán cải từ một toà nhà của bệnh viện, để dành cho việc điều trị các thai phụ bị nhiễm COVID-19.

Trong 45 phút phim không lời bình của "Ranh giới", khán giả đã được chứng kiến, được nghe, được cảm nhận những gì đang ngày đêm diễn ra sâu bên trong khu nhà của bệnh viện, là ranh giới để đội ngũ y bác sĩ giành giật lại sự sống cho các thai phụ - những con người mang hai sinh mệnh và đang phải chịu đựng những gì khắc nghiệt, khốc liệt nhất của căn bệnh này.

Bộ phim khiến người xem cảm phục tinh thần hi sinh quên mình và nỗ lực đến những giây phút cuối cùng, đến khi không thể gắng gượng được nữa của đội ngũ y bác sĩ để cứu sống bệnh nhân. Bản thân họ cũng đứng trước quá nhiều ranh giới, là ranh giới của sự lây nhiễm, của ý chí và hy vọng, của đoàn tụ và chia ly, của lựa chọn nên cứu mẹ hay cứu con.

Có xem phim, khán giả mới nhận ra rằng hoá ra trên cuộc đời này, vẫn có những con người quên hết mọi thứ để cứu sống người khác, nhẫn nại và bao dung để yêu thương người xa lạ như người thân của mình, và đôi khi không màng đến nguy hiểm mà bản thân đang phải đối diện. Có lẽ bởi giữa họ - những người bác sĩấy luôn có một sự gắn kết khó tả với các bệnh nhân của mình, nhất là khi cả hai đang ở trên cùng một chiến tuyến chống lại kẻ thù vô hình.

Bộ phim gây tiếng vang vì khán giả được nhìn và cảm nhận một cách chính xác nhất về cuộc chiến với Covid-19 đầy cam go, thử thách và khắc nghiệt. Đằng sau đó là thông điệp những ai chưa nhiễm Covid-19 hãy trân trọng sức khoẻ, bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cho cả cộng đồng bằng cách chấp hành quy định về giãn cách hay quy tắc 5K do Bộ Y tế ban hành.

Phim Ranh giới: Hình ảnh chân thật về cuộc chiến với Covid-19 đầy khắc nghiệt, khán giả rơi nước mắt đến quận lòng-1

Xuyên suốt từ đầu đến cuối phim là không lời bình, người xem được chứng kiến hình ảnh thật từ hiện trường. Trong đó chỉ có lời nói của bác sĩ, bệnh nhân hay người nhà trong giây phút đau đớn. Phim được quay tại khu K1 Bệnh viện Hùng Vương.

"Mỗi bệnh nhân qua khu K1 này là không có người nhà luôn, nên đó là cái thiệt thòi của những sản phụ vào lúc này. Cái khó xử ở đây là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc. Nên mình bù đắp được cho họ cái gì thì mình bù”, bác sĩ gây mê Lữ Thị Khánh Phương tâm sự.

Phim Ranh giới: Hình ảnh chân thật về cuộc chiến với Covid-19 đầy khắc nghiệt, khán giả rơi nước mắt đến quận lòng-2

Nhiều người nổi tiếng trong giới truyền hình cũng bình luận về cảm xũc sau khi xem phim. MC Diễm Quỳnh xúc động viết: “Ranh giới” - phim tài liệu về cuộc vật lộn của con người và Covid-19. Đau đớn, ám ảnh nhưng chân thật và thức tỉnh! Biết ơn các y bác sĩ quên mình cứu người bệnh! Khâm phục các đồng nghiệp VTV bám trụ tuyến đầu!”.

MC Lại Bắc Hải Đăng khẳng định sẽ xem lại nhiều lần: “Có lẽ không cứ phải gọi họ là người hùng hay bất cứ danh hiệu nào! Các anh chị, các bạn, khi đã chọn nghề đã có lời thề cả đời làm nhiệm vụ mà cả xã hội luôn tôn trọng! Chúc các anh chị, các bạn sẽ thật khỏe mạnh, an toàn và giữ được tinh thần tích cực!”.

Cảnh đau đớn nhất phim Ranh Giới

Cảnh đau đớn và xót nhất trong "Ranh giới" có lẽ là tình huống bệnh nhân, thai phụ Trần Thị Vân bị nhiễm Covid-19 được đua vào viện. Nhưng thai phụ này không nói với gia đình, giấu bố mẹ. Lúc nhận được tin báo từ người bạn đưa Vân vào viện, cả nhà như ngã khuỵu.

Bệnh nhân vào viện 2 ngày thì bị suy hô hấp nặng. Các bác sĩ nỗ lực cứu nhưng thai phụ này không qua khỏi. Người cha của nữ bệnh nhân đến bệnh viện mong gặp con lần cuối, nhưng mong muốn này không thành vì người nhà không được tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Phim Ranh giới: Hình ảnh chân thật về cuộc chiến với Covid-19 đầy khắc nghiệt, khán giả rơi nước mắt đến quận lòng-3

Hình ảnh người cha của thai phụ Trần Thị Vân đau đớn vào bệnh viện khi biết con đã qua đời.

Những câu nói của người cha làm cho người xem không thể kìm được cảm xúc "sao vội thế, trời ơi con ơi", khi được báo nhà nước sẽ lo mai táng, ông bố khóc nấc nói: "Trời ơi, lo gì giờ này nữa, trời ơi là con ơi". Những câu thốt ra đầy chua xót của người cha mất con như một sự bất lực trước hoàn cảnh, con đã ra đi, tất cả chỉ là quá khứ.

Câu kết của bộ phim tài liệu "Ranh Giới" này khiến người xem mang trong mình nhiều suy tư, khắc khoải về tính mạng giữa lúc dịch bệnh. Và câu kết được ê kíp đưa vào là câu nói của nhà văn Nguyễn Khải: "Ở đời không có bước đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều quan trọng là có đủ sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy”.

Phim Ranh giới: Hình ảnh chân thật về cuộc chiến với Covid-19 đầy khắc nghiệt, khán giả rơi nước mắt đến quận lòng-4

Nỗ lực cứu sản phụ của các bác sĩ.

Và cảm xúc sau cùng khi xem phim Ranh Giới là sự khâm phục các bác sĩ, hộ sinh. Hình ảnh cặp song sinh chào đời trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt cũng chính là thông điệp của bộ phim. Cuộc sống giống như một vòng tròn luân hồi, dịch bệnh cướp đi rất nhiều sinh mạng nhưng bên cạnh đấy vẫn có những em bé được chào đời bởi các bác sĩ và từ "oxy tình mẫu tử". Cuối phim, con số thống kê cũng khiến người xem nhẹ lòng hơn: Từ 30/5 đến 1/9 Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận 861 sản phụ bị P0, trong đó 804 ca mẹ tròn con vuông. Trong đó có 5 ca tử vong.

Nhà văn Nguyễn Khải từng viết: "Ở đời không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy".  Câu nói này dường như được lột tả đầy đủ và chi tiết với nhiều lớp nghĩa về "ranh giới" đa chiều, cùng rất nhiều cung bậc cảm xúc, cao trào khác được đan xen của đội ngũ y bác sĩ và của những thai phụ mắc COVID-19 trong bộ phim.

Cuộc chiến này không thể thiếu họ, và tinh thần hi sinh hết mình của các y bác sĩ khiến người xem cảm phục và trân trọng hơn những "chiến binh" mang trên mình chiếc áo blouse trắng.

An Khê (tổng hợp)