Ra mắt Dự án “Hỗ trợ nông dân hướng đến sản xuất minh bạch”

19:01 18/04/2021

Nhà sản xuất kết nối, đồng hành cùng người nông dân, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng an tâm sử dụng thực phẩm minh bạch là mục tiêu trọng tâm nằm trong dự án này. Dự kiến, Dự án “Hỗ trợ nông dân hướng đến sản xuất minh bạch” Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch sẽ được triển khai tại 13 tỉnh/ thành phố Tây Nam Bộ và Tây Nguyên trong 5 tháng tới.

Trước nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, minh bạch trong sản xuất chính là yếu tố mà đại bộ phận người tiêu dùng quan tâm hiện nay. Thực tế, có hơn 56% số người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch các sản phẩm thực phẩm sử dụng. Bởi tình trạng thiếu minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm, thông tin được cung cấp thiếu chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học,.. nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm bị thổi phồng, sai lệch gây ảnh hưởng không nhỏ đến người nông dân, gây hoang mang trong xã hội. 

Hiện nay, người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản thể hiện qua bao bì, nhãn mác. Ảnh: Internet
Hiện nay, người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản thể hiện qua bao bì, nhãn mác. Ảnh: Internet.

Theo Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch (AFT), tại Việt Nam có hơn 3000 tấn nông sản phải giải cứu mỗi năm. Đây cũng là một trong những hệ lụy liên quan đến vấn đề minh bạch thực phẩm mà hàng trăm nghìn nông dân Việt đang phải cam chịu. Họ loay hoay và bị động như vậy cũng là lẽ đương nhiên bởi nông dân nhiều năm nay chưa từng có hướng sản xuất minh bạch. Trong khi, đó là yếu tố hàng đầu mà người tiêu dùng thông minh ngày nay luôn ưu tiên chọn lựa.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch (AFT) xác định, định hướng phát triển sản xuất thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ, tiến tới sản xuất và tiêu dùng xanh và kinh tế tuần hoàn là con đường phát triển và là mục đích của Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch. Thực hiện chuyển đổi số hóa chuỗi sản xuất, 100% doanh nghiệp hội viên minh bạch thông tin thông qua số hóa.

“Hơn nữa, trong điều kiện bình thường mới, rất nhiều yếu tố thay đổi khó lường, để xác định hướng đi đúng đắn và tiến lên đạt mục tiêu chung mang lại sự phát triển cho mọi thành viên thì rất cần có tổ chức và đi cùng nhau.” – Bà Minh chia sẻ thêm.

Các yếu tố minh bạch theo ông Nguyễn Tuấn Khởi – Phó Chủ tịch AFT bao gồm: minh bạch thông tin, minh bạch sản xuất, minh bạch truyền thông, từ đó nâng cao mạnh mẽ niềm tin nơi người tiêu dùng. Ông Khởi cho hay, Dự án “Hỗ trợ nông dân hướng đến sản xuất minh bạch” tổ chức chuỗi chương trình hoạt động định hướng, hỗ trợ thông tin về sản xuất minh bạch để định hướng người dân, công nhận cấp chứng nhận về thực phẩm minh bạch. Công bố đúng và đầy đủ toàn bộ quá trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến – phân phối sản phẩm để người tiêu dùng rõ. Tất cả hướng đến mục tiêu nỗ lực phối hợp giữa người nông dân, nhà sản xuất và phía người tiêu dùng đảm bảo các yếu tố: minh bạch – công khai, an toàn – chất lượng nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường bền vững.

Hiện nay, người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản thể hiện qua bao bì, nhãn mác. Theo nghiên cứu mới đây của ADB/Malica, các chuỗi sản phẩm hữu cơ có chứng nhận bằng hệ thống bảo đảm chất lượng có sự tham gia (PGS) được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất (51%), tiếp đến là hệ thống quản lý chất lượng VietGAP với khoảng 32%.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lại chưa hiểu biết nhiều về tiêu chuẩn và quy trình thực hành sản xuất. Vậy nên, nếu hình thành được một mô hình thể chế quản trị thị trường nông sản sẽ giúp cải thiện khả năng minh bạch thông tin kết nối người sản xuất và tiêu dùng. Gia tăng giá trị bằng cách đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi họ xứng đáng phải có được cơ hội tiêu thụ sản phẩm một cách minh bạch với chất lượng và giá cả tương thích. Đó là con đường tất yếu để không còn lặp lại điệp khúc, đến mùa là giải cứu nông sản nữa.

Nếu có công nghệ mà thể chế quản trị chuỗi chưa hoàn chỉnh, quy trình sản xuất không đồng nhất, thông tin không được cập nhật, thì càng làm người tiêu dùng mất niềm tin. Do đó, quan trọng nhất đối với chuỗi giá trị nông sản và truy xuất nguồn gốc vẫn là khả năng cung cấp thông tin minh bạch từ những người nông dân và các HTX, tổ hợp tác.

Lê Mai