Quê nghèo đổi thay từ Dự án Nghi Sơn - Bài 1: Khu tái định cư như một “thành phố thu nhỏ”

14:23 26/02/2021

Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Nơi đây được xem như “trái tim” của tỉnh Thanh Hóa. Hiện "trái tim" Nghi Sơn đang “khỏe”, nhờ đó mà tỉnh Thanh Hóa đang "mạnh" dần lên.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đường sá, nhà cửa khang trang, sạch đẹp, người dân KKT Nghi Sơn đang có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đường sá, nhà cửa khang trang, sạch đẹp, người dân KKT Nghi Sơn đang có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Giá trị to lớn và lợi ích mà KKT Nghi Sơn mang lại đã được chứng minh, nội dung chúng tôi muốn đề cập tới trong loạt bài này là cuộc sống người dân tái định cư (TĐC) khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn đã đổi thay như thế nào từ khi nhường đất cho dự án?

Bài 1: Khu TĐC như một “thành phố thu nhỏ”

Khu TĐC Hải Yến (thị xã Nghi Sơn) mang dáng vóc của một “thành phố thu nhỏ” với hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đường sá, nhà cửa khang trang, sạch đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong 4 xã phải nhường đất cho KKT Nghi Sơn là Hải Yến, Hải Hà, Hải Thượng, Mai Lâm thì Hải Yến là địa phương có số người dân phải di dời nhiều nhất. Theo thống kê có tới 5/6 thôn với 5100 nhân khẩu đã di chuyển lên khu tái định cư. Có thể nói gần như toàn bộ xã đã “bốc cả” đi, từ công sở đến tất cả các công trình khác, hiện chỉ còn  375 hộ thuộc thôn Bắc Yến là chưa di dời. Việc di dời ở Hải Yến được chia làm hai đợt (đợt 1 năm 2009 với khoảng 690 hộ, đợt hai vào năm 2014 với 660 hộ).

Di chuyển theo con đường bê tông rộng rãi để đến thăm các gia đình trong khu TĐC xã Hải Yến (nay là phường Hải Yến, thị xã Nghi Sơn), chúng tôi như lạc vào khu đô thị sầm uất khác hẳn một Hải Yến xưa kia. Đó là một khu TĐC đẹp hiện đại, với những ngôi nhà khang trang, kiên cố nằm san sát nhau. Nơi đây người dân có cuộc sống khá giả, sung túc. Một “thành phố thu nhỏ” mọc lên thế chỗ cho một vùng quê vốn nghèo khó bao đời.

Trong buổi trao đổi với chúng tôi ông Trần Văn Hùng, chủ tịch UBND phường Hải Yến cho biết: Người dân Hải Yến lên khu tái định cư từ năm 2009. Lúc đó ông đã được đi thực tế tham quan nhiều khu tái định cư thì Hải Yến chính là khu tái định cư đẹp vào tốp đầu của miền Bắc lúc bấy giờ.

Trong căn phòng ấm áp, bên ấm chè đặc, ông chủ tịch vui vẻ chi sẻ với chúng tôi: “Phường Hải Yến, giờ nhà nào cũng có cuộc sống khá, nhà nào cũng cao tầng, chất lượng cuộc sống nâng cao hơn nhiều so với trước kia. Người dân bây giờ sướng lắm nên có điều kiện lo cho sức khỏe. Buổi sáng sớm và chiều muộn hoạt động thể dục thể thao diễn ra rất sôi động: Người lo đi bộ, đoàn thì đạp xe, nhóm nhảy erobic, người già tập bóng chuyền hơi, … . Đời sống kinh tế, tinh thần được đảm bảo đồng thời an ninh trật tự giữ vững, tệ nạn xã hội giảm đi rất nhiều. Ngay trên đất Hải Yến bây giờ, xe máy có thể để ngoài vỉa hè qua đêm cũng không ai lấy. Bao nhiêu năm qua người dân Hải Yến chưa phải đóng góp 1 đồng nào cho địa phương”.

Trước đây người dân Hải Yến lam lũ, phần lớn cả đời gắn bó với ruộng đồng, đi bể, làm lưới. Vất vả là vậy nhưng quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Từ khi lên khu TĐC, người dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy chuyển sang công thương nghiệp và kinh doanh dịch vụ, chất lượng cuộc sống cũng vì thế mà nâng cao. Ngoài việc hỗ trợ đất nông nghiệp, chính quyền và doanh nghiệp rất quan tâm đến hướng nghiệp, đào tạo việc làm và mở nhiều lớp cho người dân tái định cư như máy gò hàn, lái xe, khách sạn, giày da…. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề thủ công như mây tre đan xuất hiện tạo công ăn việc làm cho những người không còn tuổi đi làm công ty.

Không chỉ xây tái định cư, hỗ trợ tiền ban đầu để bà con có vốn làm ăn, phòng cộng đồng xã hội của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã làm rất tốt việc bảo vệ quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng. Đó là việc hỗ trợ thành lập câu lạc bộ cộng đồng, hỗ trợ các mô hình nông nghiệp nhỏ. Được biết sắp tới, Nghi Sơn tiếp tục bỏ kinh phí, đầu tư cho các cháu trường tiểu học, trung học cơ sở học tiếng Anh bằng cách phối hợp với nhà trường thuê giáo viên về giảng dạy.

Ông lê Hồng Đức 71 tuổi, trú tại thôn Trung Yến vui mừng, phấn khởi, vì dự án KKT Nghi Sơn đã đóng góp mức tăng trưởng kinh tế cho Nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Ông lê Hồng Đức 71 tuổi, trú tại thôn Trung Yến vui mừng, phấn khởi, vì dự án KKT Nghi Sơn đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho Nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng kí ức về một cuộc di dân lớn vì sự phát triển của tỉnh nhà vẫn còn nguyên vẹn trong tâm tưởng của ông lê Hồng Đức 71 tuổi, trú tại thôn Trung Yến. Ông nhớ như in cái ngày ông và mọi người trong xã tháo dỡ nhà cửa, thu dọn đồ đạc chuyển đến khu TĐC. Rời mảnh đất của cha ông đã gắn bó hàng nghìn năm ông có rất nhiều băn khoăn và lưu luyến. Nhưng vượt lên trên những cảm xúc và lợi ích cá nhân ông đã nhanh chóng cùng gia đình chuyển đến nơi mới với hy vọng cuộc sống của một gia đình nông dân như ông sẽ đổi thay. Và đúng như kỳ vọng, người dân rất vui mừng, phấn khởi, vì dự án đã đóng góp mức tăng trưởng kinh tế cho Nhà nước, vừa giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Ông cho biết: Trước đây gia đình tôi làm ruộng gần hai mẫu quanh năm “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn, chúng tôi cũng phải trang trải nuôi bốn đứa con ăn học, nai lưng ra làm nhưng cũng phải vay mượn. Sau khi lên tái định cư, chúng tôi làm nhà, con cái thay đổi nghề nghiệp, vẫn còn dư 100.000.000 để ông bà gửi ngân hàng hưởng tuổi già. Hai đứa con dâu tôi ngày xưa làm nông nghiệp, giờ đang làm công nhân cho Công ty giày da ở cạnh nhà lương 6 triệu/ tháng, cuộc sống ổn định hơn nhiều.

Được biết, khi hình thành khu kinh tế Nghi Sơn, có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có nhà máy dày da ANDORA. Hiện nay nhà máy giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300 lao động của địa phương với mức lương từ 5-6 triệu/tháng. Hiện tại thu nhập bình quân đầu người của Hải Yến là 3 triệu/người/tháng.

Ghé thăm gia đình ông Lê Văn Tiến hộ dân thôn Văn Yên, phường Hải Yến, dù đang bận bịu với công việc bán hàng, song ông cũng vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Bên gian hàng tạp hóa trong căn nhà kiên cố khu TĐC, ông chia sẻ: “Tuy phải rời mảnh đất của cha ông, phải thay đổi phong tục tập quán, chúng tôi lo lắng lắm. Lúc đó cũng có nhà ko đồng ý di dời nhưng chúng tôi được chính quyền, doanh nghiệp tuyên truyền nhiều. Chúng tôi biết rằng mình nên hi sinh một chút của gia đình để vì dự án, vì sự phát triển chung của tỉnh nhà. Ngày đó, có những hộ dân ủng hộ dự án tới mức tình nguyện di dời những nấm mộ còn chưa xanh cỏ để dành đất cho dự án...

Giờ đây, chúng tôi vui mừng bởi so với nơi ở và cuộc sống trước đây, nơi này hơn gấp nhiều lần. Chúng tôi là dân quê giờ được sống giữa thành phố khang trang, ai cũng vui mừng”.

Qua lời giới thiệu của anh cán bộ phường Hải Yến, chúng tôi đến thăm gia đình chị Hà Thị Bảy, sinh năm 1988, ở thôn Trung Hậu, phường Hải Yến. Chị Bảy xưa kia vốn làm nghề muối, chồng làm ruộng. Không may bị ốm, người chồng qua đời, 1 tay chị nuôi 4 đứa con nhỏ và bà mẹ già. Nếu như vẫn ở chỗ cũ và làm nghề muối, chị Bảy sẽ không thể nuôi nổi con thơ và mẹ già.

Chị kể: “Nghề cũ ở quê cũ phụ thuộc vào ông trời nhiều năm mất mùa, gia đình không đủ ăn, tôi phải bươn trải tìm đủ nghề để ổn định cuộc sống. Nhưng từ khi lên khu tái định cư, tôi được đào tạo nghề và được làm việc ở công ty giày da Andora với mức thu nhập ổn định. Từ ngày đó, hàng tháng, không còn phải lo chạy chợ, nay đây mai đó, con cái trong gia đình có điều kiện học tập tốt hơn”.

Sau hơn 10 năm lên nơi ở mới, chính quyền và người dân đã xây dựng quê hương Hải Yến ngày càng phát triển. Khu tái định cư ở xã Nguyên Bình trở thành khu đô thị khang trang, sạch đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh khu TĐC Hải Yến, Hải Bình cũng là phường có nhiều người dân lên ở để nhường đất cho KKT Nghi Sơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình cho biết: Hiện, phường Hải Bình có khoảng 200 hộ dưới Hải Hà di chuyển lên trên cánh đồng muối này làm khu tái định cư với diện tích hơn 20ha. Gần 200 hộ làm muối trên Hải Bình đã được nhà nước hỗ trợ số vốn ban đầu, đồng thời được chuyển đổi nghề nghiệp, một số làm công nhân cho các công ty gần nhà, một số dùng số tiền được hỗ trợ lấy vốn buôn bán. Thu nhập những người làm ruộng dưới Hải Hà và làm muối trên Hải Bình rất thấp, lại vất vả. Nhưng giờ, được sự hỗ trợ của Dự án Nghi Sơn, người dân đã có nhà cửa đàng hoàng, đời sống nâng cao rõ rệt. Hải Bình còn hơn 30ha diện tích làm muối của bà con đã nằm trong quy hoạch của khu Kinh tế Nghi Sơn từ năm 2012 của 600 hộ dân. Từ ngày đó đến nay nhà nước vẫn bỏ tiền hỗ trợ hàng năm cho 600 hộ này để chuyển đồi nghề nghiệp với số tiền 3 triệu đồng/hộ/năm. Số dân này đến nay cũng đã chuyển đổi nghề nghiệp và ổn định cuộc sống.

Ở vùng đất Tĩnh Gia xưa kia các xã Hải Thượng, Hải Hà nổi tiếng khắc nghiệt. Những ngày khô khanh gió thổi mạnh, cát bay bụi trắng xóa. Người dân ở đây nhiều đời lam lũ, khó nhọc mà vẫn kiên gan bền bỉ với đất, một tấc không đi, một ly không dời. Ấy vậy mà từ khi nơi đây được chọn làm vị trí đứng chân của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn thì bà con đã sẵn sàng nhường đất để đi đến vùng đất mới. Và cũng như những xã khác, cuộc sống người dân nơi đây đã đổi thay khá giả hơn rất nhiều so với xưa kia.

Những người nông dân Nghi Sơn ngày nào còn chân lấm tay bùn giờ đây đã trở thành công nhân nhà máy với mức thu nhập cao. Một sức sống mới, sự đổi thay về căn bản đang hiện hữu tại Nghi Sơn. Tính đến thời điểm này, Lọc hóa Dầu Nghi Sơn đã tạo việc làm cho khoảng 20.000 người trong giai đoạn xây dựng và hơn 3.000 người tiếp tục làm việc tại Nhà máy, phần lớn đến từ tỉnh Thanh Hóa. Bằng cách cung cấp việc làm cho người dân địa phương, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang giúp tạo ra một nhóm kỹ sư chuyên nghiệp ở huyện Tĩnh Gia và đóng vai trò là trung tâm phát triển nguồn nhân lực trên toàn khu vực.

Có thể nói Khát vọng về một sự đổi thay mạnh mẽ được nuôi dưỡng, ấp ủ qua nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Thanh Hóa nói chung và người dân Nghi Sơn nói riêng đã thành hiện thực. Khát vọng ấy được đánh đổi bằng sự hy sinh của hàng nghìn hộ dân hai xã: Tĩnh Hải, Hải Yến đồng thuận rời bỏ mảnh đất chôn nhau cắt rốn, bao đời ông cha an cư lạc nghiệp để trao cho Nhà nước 350 ha đất làm Nhà máy Lọc hóa dầu. Và hàng nghìn hộ dân người dân các xã: Hải Thượng, Hải Hà sẵn lòng nhường đất, di dời đến nơi ở mới để Nhà máy Nhiệt điện về đứng chân. Không phụ lòng sự kỳ vọng, chung sức đồng lòng của người dân, với tiềm năng, lợi thế của mình, từ khi thành lập đến nay, KKT Nghi Sơn đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào. Trong đó có cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân.

Minh Hiền