Quê nghèo đổi thay từ Dự án Nghi Sơn - Bài cuối: Mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân

12:09 02/03/2021

Để tái hiện rõ hơn cuộc sống đổi thay của người dân khu tái định cư ở Nghi Sơn, PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thi, PCT UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên trưởng ban KKT Nghi Sơn và các KCN.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.

PV: Khu kinh tế Nghi Sơn mang lại nguồn lợi to lớn cho đất nước nói chung và Tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Vậy ngoài những mục tiêu mang tầm vĩ mô, thì việc giải quyết bài toán sinh kế cho hàng vạn hộ dân đã nhường đất cho Nghi Sơn ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Có thể nói Tĩnh Gia xưa kia là vùng đất rất nghèo. Người dân Thanh Hóa có câu: “Nhất gia nhì xương”, ý nói Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) là địa phương nghèo nhất tỉnh, thứ nhì là Quảng Xương.

Người dân phía Đông Nam Tĩnh Gia xưa kia chủ yếu làm nông nghiệp nhưng quanh năm nghèo đói bởi đây là vùng đất cát nhiễm mặn không trồng được các loại cây hoa màu khác ngoài cây lạc. Nếu là dân đi biển thì rủi ro cao, đánh bắt cá theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Thanh niên trong độ tuổi lao động không có việc làm ổn định. Hơn nữa người dân nơi đây cũng không thể làm giàu từ nghề nông và nghề đi biển. Vì là vùng đất nghèo khó nên con em Nghi Sơn rất hiếu học. Họ học để không phải trở về cái làng chài, cánh đồng muối, và làm nông nghiệp trên vùng đất mặn pha cát đó.

Không phù hợp để quy hoạch thành những cánh đồng mẫu lớn để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hay những cảng cá để mang về nguồn lợi thủy sản nhưng vùng đất này lại có những lợi thế riêng để phát triển công nghiệp. Đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng, bởi đây có lợi thế là một vùng biển rộng và có cảng nước sâu. Nhận thấy điều đó Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau vào cuộc nhằm đưa vùng đất được mệnh danh là nghèo nhất tỉnh Thanh này thành khu công nghiệp trọng điểm Quốc gia. Đồng thời thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trên cơ sở đó 12 xã phía Đông Nam của Nghi Sơn đã phải nhường đất cho việc hình thành khu kinh tế lớn nhất Bắc Trung Bộ.

Để có mặt bằng thực hiện các dự án, Chính phủ đã chỉ đạo để tỉnh Thanh Hóa xây dựng nhiều khu TĐC. Theo đó hàng vạn hộ dân ở các xã Hải Yến, Hải Hà, Hải Thượng, Mai Lâm phải chuyển đến nơi ở mới. Để đảm bảo an sinh xã hội cũng như cam kết với người dân phải di dời là nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ, các khu tái định cư đã được đầu tư đồng bộ, khang trang và hiện đại. Ở đó có hệ thống điện, đường, trường, trạm, nghĩa trang,….đầy đủ và khang trang. Ngoài ra ở nơi tái định cư còn có những công trình đô thị hiện đại như khu Trung tâm thương mại, Bệnh viện quốc tế,... Nhà nước thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp từ nông - ngư nghiệp sang dịch vụ - thương mại. Nông dân từ cánh đồng lạc, diêm dân từ cánh đồng muối trở thành những người công nhân để làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp.

Trước khi nói đến câu chuyện người dân được gì ở nơi tái định cư, tôi muốn chia sẻ về những cái mà người dân phải hi sinh khi chuyển đến nơi ở mới.

Trước hết, khi người dân di dời lên khu tái định cư là họ phải chấp nhận nhường mảnh đất của cha ông đã sống hàng nghìn năm cho nhà nước, thậm chí cả mộ phần của dòng tộc, tổ tiên.

Bên cạnh đó, việc dời xa ngành nghề truyền thống, những phong tục tập quán đã ăn sâu bám rễ trong làng xã, những công trình tâm linh, những con đê, cửa bể quen thuộc,… thật không dễ dàng với bất cứ người dân một vùng quê nào chứ không phải riêng gì người dân Nghi Sơn. Người nông dân quanh năm sống dưới lũy tre làng, “Một nắng hai sương” với ruộng vườn và cửa bể. Họ quen với cái cuốc cái cày, con thuyền cái lưới, quen ăn sóng nói gió. Bây giờ phải sống trong môi trường công nghiệp, nhà máy, công nhân, làm việc đúng giờ, môi trường đầu tư hiện đại, nên đòi hỏi họ phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để thích nghi với mọi cái mới trong đời sống. Vấn đề này không phải ngày một ngày hai là ổn định được cho nên tôi xác định công tác tuyên truyền, vận động để dân hiểu và dân liệu được đặt lên hàng đầu.

Có thể nói khu kinh tế Nghi Sơn ra đời đã làm đổi thay nhiều ở một vùng quê nghèo. Có nghĩa là người dân nơi đây đã được rất nhiều thứ ở khu tái định cư.

Khi đến nơi ở mới người dân Nghi Sơn được xây dựng một khu nhà mới khang trang, nhiều tiện nghi hiện đại, an toàn và tốt hơn nơi cũ rất nhiêu. Số tiền đền bù giải phóng mặt bằng họ dùng để gửi Ngân hàng, đầu tư kinh doanh. Người dân không phải “Chân lấm tay bùn”, “Dãi nắng dầm mưa” với thu nhập ít ỏi mà được làm ở nhà máy xí nghiệp, công việc ổn định. Con em được đi học ở những ngôi trường mới khang trang,… Có nghĩa là điều mà người dân lo lắng nhất đã được giải quyết, họ còn không nghĩ rằng họ được nhiều đến thế.

Đó là người dân khu tái định cư. Còn những người dân sống xung quanh khu kinh tế Nghi Sơn họ được gì? Đó là cơ hội việc làm và thu nhập. Con cái đi học về được làm tại quê hương, lương cao, ổn định đời sống khá giả, hạ tầng giao thông kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Ở đây có 2 dạng việc làm dài hạn và ngắn hạn. Quân bình nột người công nhân nhân kĩ sư trong khu kinh tế sẽ có thêm 1 lao động phục vụ, từ đó rất nhiều dịch vụ được phát sinh.

Toàn cảnh nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Toàn cảnh nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: internet)

PV: Đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất Nghi Sơn, chứng kiến sự phát triển, đặc biệt là đời sống người dân đổi thay từng ngày, giờ nhớ lại những ngày khó khăn và những thành quả đạt được, ông ấn tượng nhất điều gì ở đây?

Ông Nguyễn Văn Thi: Trong 5 năm công tác ở Nghi Sơn, không có nơi nào là tôi không đặt chân đến. Với tôi, Nghi Sơn là một vùng biển đẹp, nơi đây chứa đựng nhiều những giá trị văn hóa, lịch sử và những giá trị di sản độc đáo. Ở đó có những câu chuyện, những con người rất đời thường nhưng cũng rất sâu sắc. Những câu chuyện rất gần với thần thoại, truyền thuyết khiến ai nấy đều yêu thêm mảnh đất và con người nơi đây.

Rồi cái ngày mà người dân Nghi Sơn phải dỡ bỏ nhà cửa, chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án là những ngày khó khăn nhất và ấn tượng nhất.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và chúng tôi đã đến từng hộ dân động viên, an ủi, lắng nghe, chia sẻ để nhân dân bằng lòng và tin tưởng vào chủ trương của nhà nước. Thế rồi những ngày gian nan nhất cũng đã qua. Đảng, chính quyền và người dân Nghi Sơn cùng chung sức, chung lòng vì quê hương đất nước khiến những người quản lý như chúng tôi hồi đó vỡ òa trong niềm xúc động.

Những năm tháng công tác ở Nghi Sơn, bằng nguồn vốn của bản thân và huy động xã hội, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa cho những gia đình không có nhà ở, nhà cửa dột nát, trẻ em mồ côi,…

PV: Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm xã hội của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế trong khu tái định cư?

Ông Nguyễn Văn Thi: Tôi đánh giá cao sự phối hợp, chia sẻ của Công ty Lọc hóa hóa dầu Nghi Sơn trong trách nhiệm với bà con nhân dân Nghi Sơn. Đến đây đầu tư và làm việc họ rất quan tâm đến đời sống của người dân và đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội.

Khi đến Nghi Sơn, họ đã thuê công ty tư vấn nước ngoài chuyên về vấn đề làm cộng đồng, làm chính sách để mang lại kết quả tốt nhất về an sinh xã hội cho người dân. Trong đó có việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm. Công ty đặc biệt ưu tiên con em trong vùng dự án để được làm việc trong nhà máy phù hợp với các điều kiện bằng cấp, trình độ, năng lực, sở trường.

Để hỗ trợ người dân, Công ty đã xây dựng và duy trì một kênh giao tiếp hai chiều, qua đó chia sẻ với cộng động các thông tin về dự án và lắng nghe phản hồi của bà con. Công ty đã hỗ trợ người dân nhường đất cho dự án thành lập 25 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại cộng đồng. Các câu lạc bộ này đang làm rất tốt công tác chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập, giúp đỡ những người thiếu may mắn. Hiện đây là doanh nghiệp duy nhất trong cả nước làm được điều này.

PV: Điều ông còn trăn trở nhất về cuộc sống của người dân Nghi Sơn là gì?Tỉnh Thanh Hoá cũng như Ban quản lý KKT Nghi Sơn đã quan tâm, giải quyết những vấn đề đó như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thi: Trong câu chuyện giải phóng mặt bằng vẫn còn đâu đó những cuộc tranh chấp, xung đột nho nhỏ giữa người dân và chính quyền. Hay ngay đến bây giờ vẫn còn những điều, những cái mà người dân còn mong muốn nhưng chính quyền chưa đáp ứng được vì rất nhiều lý do. Xác định đó là điều không thể tránh khỏi, là quy luật tất yếu ở bất cứ một cuộc di dời nào nhưng là người đã bao năm gắn bó với đất và người nơi đây tôi không khỏi suy nghĩ và trăn trở.

Đến nay KKT Nghi Sơn đã được điều chỉnh, mở rộng quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia (12 xã trong Khu kinh tế Nghi Sơn cũ và các xã còn lại của huyện Tĩnh Gia); 3 xã Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (huyện Nông Cống) và 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lach (huyện Như Thanh)…Tổng diện tích quy hoạch 106.000 ha (tăng gần 10 lần so với ban đầu).Sau khi điều chỉnh, Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển.

 Tỉnh Thanh Hóa nói chung và Nghi Sơn đang trên đà phát triển thịnh vượng người dân buộc phải thay đổi vì đất nước. Toàn bộ khu kinh tế Nghi Sơn được mở rộng đầu tư hiệu quả lớn như vậy cho nên một công cuộc di dân nữa sẽ lại tiếp tục diễn ra và việc ảnh hưởng là không tránh khỏi.

 Song công tác này đã được tỉnh Thanh Hóa làm rất tốt trong những năm qua, đó là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mới. Đó là tiền đề, kinh nghiệm đúc rút và là cơ sở để Thanh Hoá tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, giúp cho người dân vùng dự án có cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc. Phấn đấu đến năm 2030, Nhân dân vùng đất Nghi Sơn sẽ ổn định về mọi mặt và phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Minh Hiền (thực hiện)