Quê nghèo đổi thay từ Dự án Nghi Sơn - Bài 2: Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Doanh nghiệp duy nhất thành lập CLB LTHTGN

09:42 27/02/2021

Sinh kế cho những người yếu thế khi đã nhường đất cho Dự án Nghi Sơn luôn được doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ. Mô hình CLB LTHTGN chính là chương trình duy nhất trong cả nước của Lọc hóa dầu Nghi Sơn dành cho những người yếu thế trong Dự án.

25 CLBLTHTGN tại Nghi Sơn đồng diễn các bài tập dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe

25 CLB LTHTGN tại Nghi Sơn đồng diễn các bài tập dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe.

Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) là 1 tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng, tập hợp nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi. Trong đó phần lớn là những người cao tuổi, người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn rất tinh tế trong việc phân loại, sắp xếp ngành nghề cũng như hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án của họ. Ở đó những người yếu thế như người già, phụ nữ neo đơn, sức khỏe hạn chế... vẫn có cách sinh kế phù hợp.

Bắt đầu từ năm 2016, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đầu tư cho Dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người trung, cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại 25 CLB LTHTGN thuộc 4 xã của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) là: Mai Lâm, Tĩnh Hải, Nguyên Bình và Hải Yến. Theo đó, Công ty hỗ trợ việc thành lập 25 CLB với 1.300 thành viên. Mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người thiệt thòi trong cộng đồng. Số vốn Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đầu tư không hoàn lại ban đầu cho quỹ vốn vay của các CLB là 2,7 tỷ đồng. Sau gần 3 năm hoạt động, quỹ vốn vay của các CLB đã tăng lên đến 3,364 tỷ đồng, giúp hơn 1.000 lượt thành viên được vay vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Toàn bộ 25 CLB đã đi vào hoạt động tương đối ổn định, mang lại lợi ích cho người dân, được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Bà Vũ Thị Mược, 86 tuổi (ngồi giữa) là thành viên CLB số 1 Sơn Thắng, phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn) được các tình nguyện viên đến chăm sóc, giúp đỡ việc nhà 2 lần/tuần.
Bà Vũ Thị Mược, 86 tuổi (ngồi giữa) là thành viên CLB số 1 Sơn Thắng, phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn) được các tình nguyện viên đến chăm sóc, giúp đỡ việc nhà 2 lần/tuần.

Dự án CLB LTHTGN giai đoạn II được thực hiện từ tháng 3/2018-8/2019, với mục tiêu củng cố 25 CLB đã được hình thành, nâng cao lợi ích về vật chất, tinh thần cho các thành viên CLB và cộng đồng. Từ đó cải thiện thu nhập, sức khỏe và giúp các thành viên trong CLB được hưởng lợi từ các dịch vụ và phát triển ở 22 thôn của thị xã Nghi Sơn. Hiện tổng số các thành viên CLB là 1.433 người, tăng 98 thành viên so với đầu dự án. Tổng số vốn hiện có là trên 3,4 tỷ đồng, cho 539 thành viên vay để tăng thu nhập, 99% thành viên CLB có sức khỏe ổn định và tăng lên sau khi tham gia vào CLB. Các CLB đã thành lập được 43 đội văn nghệ, với 385 thành viên tham gia; 1.433 thành viên CLB được nâng cao nhận thức và kiến thức liên quan đến hoạt động tăng thu nhập thông qua các cuộc nói chuyện...

Bác Nguyễn Thị Hồng thôn Trung Hậu, phường Hải Yến nằm trong Ban chủ nhiệm kiểm tra sức khỏe cho các thành viên thuộc CLB LTHTGN thôn cho biết: “Từ ngày có CLB, chúng tôi ai nấy đều tham gia vui vẻ, nhiệt tình, phấn khởi. Ngoài việc được vay vốn để sản xuất, tăng thu nhập mọi người còn được luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, tham gia nhiều tiết mục văn nghệ do địa phương và CLB tổ chức. Đặc biệt mỗi khi gia đình có công việc, thành viên ốm đau không ai bảo ai tất cả mọi người đều tham gia giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. Chính vì lẽ đó mà tình làng nghĩ xóm được nâng lên và thắt chặt hơn rất nhiều”.

Ông Ngô Nam Anh, Trưởng nhóm Quan hệ cộng đồng, phòng Xã hội cộng đồng, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn chia sẻ: Trong những năm qua Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã và đang nỗ lực sát cánh cùng bà con các xã bị ảnh hưởng, nhằm góp phần giúp bà con cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua nhiều dự án đầu tư xã hội chiến lược và các hoạt động quan hệ cộng đồng. CLB LTHTGN là mô hình nhân văn, có tác động toàn diện tới cộng đồng. Từ đó giúp các thành viên phát triển kinh tế, cải thiện sức khỏe, nâng cao nhận thức tới việc nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy sự đoàn kết giúp đỡ nhau giữa các thành viên, các thế hệ, gắn kết tình làng nghĩa xóm...

Với sự hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian qua, các CLB có thể vận hành một cách bền vững, hiệu quả sau khi được chuyển giao sang chính quyền các cấp quản lý. Ông Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao việc thành lập Ban chỉ đạo để quản lý các CLB tại 4 xã Hải Yến, Mai Lâm, Nguyên Bình, Tĩnh Hải nhằm tăng cường việc quản lý, hỗ trợ hoạt động của các CLB sau khi dự án kết thúc. Đây là nỗ lực tuyệt vời góp phần duy trì hoạt động của các CLB. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, hội Người cao tuổi các cấp và sự nỗ lực của bản thân các CLB, chúng tôi tin rằng các CLB sẽ ngày càng phát triển, đem lại nhiều lợi ích cho bà con, cộng đồng".

Được thành lập từ năm 2016, đến nay CLB LTHTGN thôn Đông Yến, xã Hải Yến có 62 thành viên, trong đó 70%  người cao tuổi, còn lại là thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh.

Bà Đậu Thị Thu, thành viên CLB cho biết: “Năm 2016, tôi được vay 5 triệu đồng, tôi đầu tư chăn nuôi gà giống; sau hơn 1 tháng tôi đã xuất lứa đầu tiên được lãi được gần 3 triệu đồng. Năm 2018, tôi vay thêm 5 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi gà giống, gà thương phẩm. Đến nay, hàng năm, gia đình tôi xuất bán hàng nghìn con gà giống, trên 3 tạ gà thương phẩm, nhờ vậy, thu nhập cải thiện đáng kể”.

Bên cạnh các hoạt động truyền thống, với số quỹ là 138 triệu đồng, CLB LTHTGN thôn Cao Thắng 1 đã cho 33 thành viên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền từ 2-7 triệu đồng/thành viên, giúp cho các thành viên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. CLB có 5 tình nguyện viên nhận chăm sóc cho 5 người tàn tật, người già cô đơn, khó khăn tại cộng đồng.

Ông Nguyễn Bá Trung thành công với “nghề làm giá” đỗ theo công Nghệ Thái Lan
Ông Nguyễn Bá Trung thành công với nghề làm giá đỗ theo công Nghệ Thái Lan.

Sau khi được Dự án CLB LTHTGN tập huấn về phương pháp làm giá, rau mầm theo công nghệ của Thái Lan, bác Nguyễn Bá Trung, chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi, đồng thời là thành viên CLB Trung Yến, đã nhanh chóng áp dụng và đạt được thành công to lớn. Hiện tại, bác có thể bán được ít nhất 10 kg giá/rau mầm mỗi ngày, đấu mối với hàng chục nhà hàng/quán ăn trên địa bàn, ký hợp đồng cung cấp rau cho các trường mẫu giáo tại huyện, thu ổn định 4.000.000-5.000.000đ/tháng-một con số không hề nhỏ với mô hình có mức đầu tư thấp (dưới 5.000.000đ), không cần đất, dễ học dễ làm và đặc biệt phù hợp với kinh nghiệm, thời gian, sức khỏe của người cao tuổi.

Nói về “nghề trồng giá” của mình, bác Trung cho biết, để đạt đến mức “nhắm mắt để đấy là giá tự lên” thì bác cũng đã phải thử nghiệm, thất bại nhiều lần. Ví dụ, cùng 1 kg đậu nhưng nếu không khéo gia giảm lượng nước tưới thì chỉ thu được 4 kg thành phẩm, lúc cắt.

Từ ngày tham gia CLB, bác Trung bận bịu hơn hẳn, nhưng khỏe và vui. Bác chia sẻ: “Trong CLB phải có những thành viên biết làm ăn, tiên phong đi đầu, không sợ thất bại, thì mới thành công được”. Nay bác đã bước đầu làm được điều đó, thì bác mong sẽ có thêm nhiều người vững tin và cùng làm giá, làm rau mầm với bác. Với tâm niệm "Mô hình này là của tất cả mọi người", bác Trung đã tập huấn lại cho rất nhiều người cả trong và ngoài CLB về mô hình giá, rau mầm. Dù nắng, dù mưa, cứ có người quan tâm là bác lại tận tình hướng dẫn, thậm chí qua tận nhà, hỗ trợ mua đỗ giống, dụng cụ và bao tiêu nếu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu.

Không dừng lại ở những thành công đã đạt được, bác Trung hiện đang nghiên cứu cách làm giá từ đậu nành và rau mầm củ cải - các sản phẩm rất được ưa chuộng tại các nhà hàng Hàn Quốc, Nhật Bản trên địa bàn với hàm lượng dinh dưỡng và giá thành cao. Thời gian tới, bác sẽ không ngừng học hỏi từ Dự án các mô hình sinh kế mới để đa dạng hóa mặt hàng và truyền thông nhiều hơn cho cộng đồng. Chắc chắn, với sự miệt mài và không ngừng sáng tạo, mô hình sinh kế của bác Trung sẽ ngày càng phát triển, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cá nhân bác và cộng đồng.

“Bác làm mô hình này chủ yếu là cho cộng đồng cháu ạ, làm sao tất cả mọi người đều được hưởng lợi ích của kỹ thuật làm giá mới”. (Bác Trung vui vẻ chia sẻ với chúng tôi).

Ngày nay, đặt chân lên những khu tái định cư Nghi Sơn chỗ nào chúng tôi cũng gặp những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả của các thành viên CLB LTHTGN. Từ việc được hỗ trợ vốn ban đầu, kĩ thuật từ CLB và cũng từ những thành công của bản thân thành viên, họ luôn sẵn sàng chia sẻ cách làm kinh tế để thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên khác.

Thông qua các hoạt động của CLB LTHTGN đời sống vật chất, tinh thần văn hóa sức khỏe của những người yếu thế nơi đây được nâng lên, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội, khơi dậy và phát huy giá trị truyền thống về văn hóa, đạo lý tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, làm phong phú thêm các phong trào xây dựng quê hương phát triển giàu mạnh.

Ông Lê Thế Kỳ, nguyên PCT UBND thị xã Nghi Sơn nhận định: "Vì giá trị to lớn của CLB LTHTGN nên cần nhân rộng mô hình để nhiều người hơn nữa được hưởng lợi. Tại những địa bàn của huyện có CLB, tôi chứng kiến sự thay đổi tích cực trong đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế xã hội".

Ông Atsushi Yamamoto, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bày tỏ lòng biết ơn đối với những địa phương đã nhường đất cho dự án và cam kết sẽ trở thành một doanh nghiệp có ý thức và trách nhiệm xã hội cao nhất. Công ty cũng đặt mục tiêu mang đến tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng cách tạo việc làm, thực hiện Chương trình Đầu tư Chiến lược xã hội qua các hoạt động đào tạo chuyển đổi nghề, chăm sóc y tế cộng đồng, đào tạo giáo dục. Mô hình CLB LTHTGN của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã mang lại nhiều lợi ích, chia sẻ trách nhiệm xã hội với các ngành và chính quyền địa phương. Đặc biệt, không chỉ các thành viên CLB mà cả những người dân tại cộng đồng cần hỗ trợ trong việc phục hồi sinh kế cũng có thể được giúp đỡ thông qua dự án để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Minh Hiền