Quảng Nam: Đa dạng sản phẩm từ dừa trái xứ đảo

06:24 23/11/2021

Nhận thấy giá bán sản phẩm dừa trái của địa phương còn quá thấp, chị Hoàng Thị Thủy Yên (thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải, huyện Núi Thành) đã nghiên cứu sản xuất thành công các sản phẩm từ dừa trái.

Trên cơ sở này, chị đăng ký ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “Xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm từ dừa trái”, mở ra triển vọng nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây trồng đặc trưng xứ đảo. 

  Sản phẩm bánh dừa, mứt dừa và dầu dừa Long Quân.

Chị Thủy Yên chia sẻ, xã đảo Tam Hải có nhiều vườn dừa trĩu quả, nhưng dừa trái ở đây chỉ được người dân sử dụng làm dầu dừa hoặc lấy nước dừa làm thức uống giải khát. Còn bánh dừa, mứt dừa chỉ làm vào dịp tết nên nhu cầu sử dụng dừa trái ít, và các sản phẩm từ dừa trái chưa đa dạng.

“Qua tìm tòi, học hỏi, chúng tôi đã sản xuất thành công các sản phẩm từ dừa trái như dầu dừa, bánh dừa dẻo, mứt dừa truyền thống, rau câu dừa với đặc điểm là không dùng chất bảo quản, không phụ gia, phẩm màu, nguyên liệu chuẩn sạch, chất lượng, rõ nguồn gốc, được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - chị Yên nói. 

  Sản phẩm mứt dừa và dầu dừa Long Quân.

“Tiệm bánh Long Quân” do chị Yên làm chủ mua nguyên liệu đảm bảo chất lượng tại vườn của những người trồng dừa và sản xuất nhiều loại sản phẩm. Chẳng hạn sản phẩm dầu dừa, chị Yên không dùng chất bảo quản và nấu đến độ tinh khiết để dùng được lâu (qua 2 năm vẫn sử dụng được), khác với các loại dầu dừa bình thường có chất bảo quản, chất phụ gia.

Đối với bánh dừa dẻo được làm từ loại dừa dày cơm kết hợp các loại rau củ như cà rốt, bí đao, gừng, bột quế rim đường đến độ sánh dẻo, sau đó trộn với bột nếp để các loại nguyên vật liệu kết dính lại với nhau và cho vào khuôn để in thành bánh.

Còn với mứt dừa, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng, cơ sở sẽ đáp ứng các sản phẩm: mứt dừa sấy khô, mứt dừa non, mứt truyền thống và đặc biệt là chỉ dùng các loại rau, củ, quả ép lấy nước để pha màu làm mứt... 

Để thực hiện dự án sản xuất các sản phẩm từ dừa trái, chị Thủy Yên cho biết đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất và mua sắm dụng cụ, trang thiết bị, đồng thời thu mua dừa trái, tiến hành sản xuất và lên kế hoạch mở rộng thị trường. Thời gian tới nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm mới và dần hoàn thiện hệ thống phân phối, tiến đến sản xuất quy mô lớn hơn, xây dựng sản phẩm OCOP.

Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tam Hải cho biết, các sản phẩm từ dừa trái của “Tiệm bánh Long Quân” đã có mặt trên thị trường, được khách hàng ưa chuộng và được tiếp tục mở ra triển vọng phát triển tốt.

Dự kiến năm 2022, xã đăng ký thương hiệu cho dầu dừa thành sản phẩm OCOP. Những sản phẩm cơ sở làm ra mang đặc trưng của xã đảo, được địa phương quan tâm, đưa vào khai thác để bảo tồn và phát triển cây dừa xứ đảo Tam Hải nhằm hướng đến phục vụ phát triển du lịch trong thời gian tới.

Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm từ dừa trái ở xã đảo Tam Hải góp phần tạo việc làm cho một số lao động nữ tại địa phương, tăng nguồn thu nhập cho người dân từ việc bán, cung cấp dừa trái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Qua đó, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm liên kết vùng miền của xã đảo Tam Hải gắn liền với việc phát triển thương hiệu dầu dừa, phát huy giá trị và thế mạnh loại cây chủ lực, dễ phát triển của xã đảo.

Theo Làng nghề Việt Nam