Quản lý hiệu quả P2P Lending: Tăng khả năng tiếp cận vốn DNNVV

00:00 12/10/2020

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực cho vay đầy mới mẻ này; đồng thời triển khai chương trình thí điểm cho phép các DN có năng lực tài chính, công nghệ được triển khai chính thức; cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng được tiếp cận với các nguồn thông tin tín dụng. Đồng thời cần xây dựng chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân…

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương và các tổ chức hiệp hội đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai giải pháp thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn vay.

Trước đó, vào đầu tháng 6, NHNN đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo bộ hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng để trình Chính phủ ban hành, trong đó có hoạt động P2P Lending.

Cần tính toán, cân nhắc về nguồn lực để triển khai khuôn khổ pháp lý cho P2P Lending

Giới chuyên gia nhận định, sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P Lending trên thế giới trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển. Tuy nhiên, có một thực tế là hoạt động P2P Lending dễ xuất hiện hình thức biến tướng như đã, đang diễn ra ở các nước đã cho phép mô hình này hoạt động.

Theo đó thay vì làm trung gian kết nối thông tin, một số công ty huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn… làm ảnh hưởng đến những công ty đầu tư thực sự vào hệ thống, công nghệ, con người và quy trình quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng và rủi ro gian lận.

Bởi vậy mô hình P2P Lending phát triển lành mạnh và hiệu quả sẽ tạo thêm kênh vốn cho DN, qua đó giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, giảm gánh nặng lo vốn cho hệ thống ngân hàng, song các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực cho vay đầy mới mẻ này; đồng thời triển khai chương trình thí điểm cho phép các DN có năng lực tài chính, công nghệ được triển khai chính thức; cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng được tiếp cận với các nguồn thông tin tín dụng. Đồng thời cần xây dựng chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân…

Nhìn với trường hợp của Trung Quốc, P2P Lending ở quốc gia này tăng trưởng nhanh và có quy mô lớn nhất trên thế giới, nhưng sau đó do thiếu sự kiểm soát nên hoạt động của một số công ty mang đến nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. TS. Châu Đình Linh chia sẻ, chúng ta nên nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, cũng như một số quốc gia khác để xây dựng khuôn khổ pháp lý của mình. Muốn làm gì cũng phải xây từ gốc, nếu chỉ nhìn ở phần ngọn, không có hành lang pháp lý hoàn thiện thì vô cùng rủi ro.

Không phủ nhận nhu cầu về P2P Lending là rất lớn, không những giải quyết nhu cầu vốn của DNNVV mà còn giải quyết nhu cầu vốn đơn lẻ của từng cá nhân, nhưng để tránh trường hợp biến tướng, theo chuyên gia này buộc phải có hệ thống pháp lý để kiểm soát để mô hình này phát huy hiệu quả theo đúng kỳ vọng đã đặt ra.

Nhiều chuyên gia khác cũng khuyến nghị cho phép các Công ty P2P Lending được tiếp cận với cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) để đánh giá uy tín, tín nhiệm của từng người, từng DN trong hoạt động đi vay và cho vay, qua đó mang lại lợi ích cho cả các TCTD và các công ty P2P Lending, nhà đầu tư, người vay… CIC cho biết, cơ quan này đã tiếp xúc và làm việc với một số công ty P2P Lending đều là pháp nhân được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, có giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, hiện NHNN đang trong giai đoạn xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho Fintech để trình Chính phủ ban hành. Trong khi chờ Sandbox được thông qua, CIC tạm dừng kết nối với các công ty P2P Lending muốn tham gia hệ thống thông tin tín dụng. Phía CIC cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện kết nối để hỗ trợ các công ty Fintech tham gia hệ thống thông tin tín dụng ngay sau khi Sandbox được chính thức thông qua.

Liên quan tới cơ chế chính sách, Ths. Phạm Xuân Hoè - Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng cho rằng, quan điểm của triển khai Sandbox là phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, gia tăng tiếp cận tài chính, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư và người vay. Song song với đó là yêu cầu về kiểm soát rủi ro trong mức chấp nhận.

Với nhà đầu tư và khách hàng vay vốn, theo ông Hoè, phải tìm hiểu rõ hoạt động của sàn P2P Lending; người vay phải đọc kỹ hợp đồng, nhất là yếu tố lãi suất, cách tính lãi, phí ngoài, phí trả trước hạn, gia hạn. Không gửi vốn vào các công ty P2P Lending dưới dạng gọi vốn cộng đồng (trừ là cổ đông - đầu tư) bởi đây là hành vi trái luật, gây mất tiền và không được bảo vệ; nhà cho vay qua sàn này cũng đặc biệt cẩn trọng về mức cho vay, lãi suất…

Khuê Nguyễn