Kinh tế số của Việt Nam dự đoán đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 8,9% từ nay đến năm 2026

22:53 28/11/2022

Đây cũng chính là nhận định từ kết quả khảo sát Chỉ số các nền kinh tế kỹ thuật số của một số nước do tờ Financial Times và Công ty nghiên cứu công nghệ Omdia đăng tải mới đây.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Mới đây, thời báo tài chính Financial Times và Công ty nghiên cứu công nghệ Omdia đã công bố kết quả khảo sát Chỉ số các nền kinh tế kỹ thuật số của một số nước.

Theo đó, nền kinh tế số của Việt Nam được dự đoán đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 8,9% từ nay đến năm 2026, nhanh nhất trong số 51 quốc gia được khảo sát.

Chỉ số các nền kinh tế kỹ thuật số FT-Omdia do tờ Financial Times và Công ty nghiên cứu công nghệ Omdia đăng tải mới đây, phân tích về quy mô và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế số hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2022-2026. Chỉ số này theo dõi các thước đo tăng trưởng ở 5 hạng mục lớn: Kết nối, thiết bị di động, giải trí kỹ thuật số, thanh toán số và chi phí cho các dịch vụ công nghệ thông tin.

Chỉ số các nền kinh tế kỹ thuật số FT-Omdia nhận định rằng, trong 5 năm tới Việt Nam sẽ chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ.

Cùng với đó, dự báo cũng cho thấy Việt Nam sẽ có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới, theo sau là Ấn Độ (8,7%), Mexico (8,1%), Indonesia (7,7%) và Israel (7,5%).

"Quá trình chuyển đổi sang nền tảng số diễn ra rất mạnh ở Việt Nam và xu hướng này cũng diễn ra rất nhanh. Do đó, chúng ta đang có lợi thế là điểm đến mà các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp coi Việt Nam là một nơi tuyệt vời để bắt đầu thử sức kinh doanh và phát triển quy mô", ông Thue Quist Thomasen - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam (NordCham) nhận xét.

Ông Denis Brunetti - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AusCham) nhận định: "Tôi nghĩ Việt Nam có thể đạt được thành tích cao hơn nữa vì có đủ các yếu tố phù hợp. Tất nhiên, điều này sẽ tác động lên giới trẻ, hệ thống giáo dục và thúc đẩy sự phát triển trong giáo dục STEM. Chính phủ cũng có những chính sách mạnh mẽ không chỉ về kinh tế số, mà còn về cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam".

5G sẽ trở thành cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số
5G sẽ trở thành cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số.

Theo Omdia, Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng nhất của Đông Nam Á đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là đối với ngành sản xuất. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh việc sử dụng dữ liệu 5G, khi các doanh nghiệp đang phát triển bắt đầu dựa vào các kết nối băng thông cao, nhanh của 5G để cải thiện hoạt động của các dịch vụ công nghệ thông tin trên đám mây và tự động hóa trong các nhà máy.

Ngo,ài ra, ông Denis Brunetti cũng khuyến nghị: "5G sẽ trở thành cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số. Việc số hóa các ngành kinh tế sẽ giúp toàn nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn, thúc đẩy gia tăng năng suất và từ đó thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài.

"Việt Nam, trong tương lai, sẽ có nhiều những công ty khởi nghiệp kỳ lân đạt trị giá hơn 1 tỷ USD. Đó là một điều tích cực lớn với Việt Nam. Nhiều quốc gia khác trên thế giới mong muốn có được vị trí như Việt Nam hiện nay. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục các chính sách thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số",ông Denis Brunetti nhận định.

Bài viết của tạp chí Financial Times cũng nhận định, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng và dịch vụ tài sản đến chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm trong những năm gần đây. Việt Nam có những người trẻ đang khao khát với những cơ hội mới.

Trang Anh (t/h)