Proptech trên thế giới
Theo Savills Impacts 2018, tổng giá trị BĐS trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2017 có giá trị 280.6 ngàn tỷ đô la Mỹ, với khoảng 78% giá trị đến từ BĐS nhà ở. Để có cái nhìn tương quan về độ lớn của con số này, hãy nhớ rằng tổng giá trị của tất cả số vàng trên thế giới chỉ khoảng 7,7 ngàn tỷ đô la, và tổng sản lượng GDP toàn cầu là khoảng 78,3 ngàn tỷ đô la, chỉ bằng 30% giá trị BĐS.
Tương quan giá trị BĐS thế giới
Báo cáo Đầu tư Proptech toàn cầu 1H2018 của YoStartups cho biết trong giai đoạn từ 2005 đến 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng vốn đầu tư vào proptech có giá trị khoảng 70 tỷ đô la Mỹ, trong đó hơn 54% nằm trong 2,5 năm cuối. Báo cáo của KPMG và nhánh đầu tư của tập đoàn Taronga Group - Real Tech Ventures – đơn vị mới huy động 100 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào proptech ở Úc và nước ngoài – dự báo lượng vốn đầu tư vào các công ty proptech sẽ đạt ngưỡng 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Báo cáo này nhận định những lĩnh vực nhiều khả năng sẽ được đổi mới nhanh chóng và thu hút đầu tư là quy hoạch đô thị, thiết kế và xây dựng, tìm kiếm, bán và sát nhập, cho thuê và quản lý, phân tích dữ liệu và phát triển bền vững.
Đánh giá về tầm ảnh hưởng hiện tại của proptech, ông Steven Lang, Giám đốc nghiên cứu BĐS thương mại Savills UK nhận định: “Tuy proptech có tiềm năng biến đổi mọi khía cạnh của thị trường BĐS, từ khâu mua bán đến thiết kế, hầu hết các cải tiến công nghê được ứng dụng nhanh nhất hiện nay là các công nghệ tập trung vào việc quản lý BĐS hiệu quả hơn. Những công nghệ này bao gồm các ứng dụng và cảm biến cho biết có bao nhiêu người trong tòa nhà và ở khu vực nào; từ đó có thể tự động tắt đèn và hệ thống sưởi để tiết kiệm năng lượng; hoặc cung cấp dữ liệu cho khách thuê doanh nghiệp tại các tòa nhà văn phòng để họ thiết kế và quản lý không gian hiệu quả hơn.”
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam có đồng quan điểm: “Phạm vi của proptech hiện nay không nằm trong lĩnh vực khởi nghiệp như định nghĩa ban đầu mà đơn giản là những cải tiến hiệu quả trong hoạt động hiện tại của thị trường BĐS. Ví dụ như hệ thống mạng lưới kết nối internet (Internet of Things) và dữ liệu lớn (big data), thay vì làm gián đoạn thị trường thì chỉ nâng cấp những thông lệ trước đây lên một cấp độ hiệu quả cao hơn nhiều. Trí tuệ thông minh nhân tạo và Blockchain cũng tương tự, tuy có sự đổi khác một chút so với phương thức hoạt động truyền thống nhưng không thay đổi đáng kể. Các nền tảng chia sẻ như AirBnB nhờ có công nghệ cao và Workthere với vai trò “bán buôn” đem lại những giải pháp linh hoạt hơn để phù hợp với nhu cầu của khách hàng thời hiện đại. Với lợi nhuận tương đối thấp, nhu cầu nguồn lực cao và giá trị tài sản lớn, Quản lý BĐS là mảng dịch vụ có thể hưởng lợi ngay lập tức từ tác động tăng hiệu quả của proptech.”
Proptech tại Việt Nam
Không nằm ngoài xu hướng proptech của toàn cầu, Việt Nam đang chứng kiến công nghệ thông minh được áp dụng vào nhiều khía cạnh của thị trường BĐS. Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ và số lượng lớn người đam mê công nghệ (64 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số; 62 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm 64% dân số) đã nhanh chóng đón nhận công nghệ thông minh và dần bắt nhịp với xu hướng của thế giới. Từ sử dụng ứng dụng thông minh trong bán hàng cho đến tích hợp thiết bị công nghệ trong các dự án BĐS bao gồm cả không gian công cộng và không gian trong căn hộ/ thương mại; ngay cả các đơn vị quản lý BĐS cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý và vận hành dự án một cách hiệu quả hơn.
Trong xu hướng đó, Savills Việt Nam – đơn vị Quản lý BĐS với quy mô danh mục lên tới 5 triệu m2 diện tích thương mại và nhà ở (bao gồm khoảng 40.000 căn hộ chung cư) đã khai thác các công cụ hiện đại của xu hướng proptech trong lĩnh vực quản lý và vận hành dự án nhà ở. Savills đã phát triển ứng dụng quản lý bất động sản Savills Property Management Solutions (SPMS) – một phương tiện liên lạc chính thức và trực tiếp giữa các bên chủ đầu tư, cư dân và khách thuê. Ứng dụng SPMS mang tới cho người sử dụng sự phản hồi ngay lập tức đối với những yêu cầu cá nhân qua một hệ thống tự động. Là một kênh liên lạc rõ ràng giữa cư dân và ban quản lý dự án, SPMS có các tính năng cho phép người dùng thanh toán hóa đơn và đặt lịch sử dụng những dịch vụ tiện ích trong dự án chỉ với một vài bước đơn giản.
Bà Trần Minh Ái, Giám đốc Quản lý BĐS, Savills TP.HCM chia sẻ: “Với quy mô danh mục quản lý ngày càng mở rộng, Savills Việt Nam cần một giải pháp để quản lý và vận hành các dự án một cách hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực hơn. Với mục tiêu đó, SPMS ra đời, đem đến cho CĐT, ban quản lý, cư dân và khách thuê một kênh thông tin liên lạc trực tiếp, rõ ràng và minh bạch. Thay vì phải gặp mặt trực tiếp hoặc liên hệ qua điện thoại với ban quản lý để yêu cầu sửa chữa, đặt lịch sử dụng tiện ích trong dự án hoặc thanh toán các chi phí liên quan, cư dân có thể nhanh chóng thao tác đơn giản trên ứng dụng SPMS trên điện thoại. Thay vì ghi nhận và lưu những thông tin này thủ công, ban quản lý có thể làm điều này trên hệ thống lưu trữ của SPMS và điều phối nhân sự một cách hiệu quả, giảm thiểu lỗi từ con người. Thay vì truyền tải những thông báo tới cư dân qua bảng tin hay liên lạc trực tiếp, ban quản lý hay CĐT có thể gửi thông báo qua hệ thống SPMS, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Không những vậy SPMS còn lưu trữ lịch sử thông tin của tất cả các dự án; qua đó tất cả thông tin trao đổi giữa các bên ban quản lý, ban quản trị, chủ đầu tư và cư dân đều minh bạch rõ ràng, tránh những hiểu lầm tranh chấp không đáng có. Tất cả báo cáo kỹ thuật và phản hồi về chất lượng dịch vụ được cư dân gửi đến hệ thống cũng sẽ được lưu giữ và là cơ sở để ban quản lý và CĐT cải thiện hoạt động quản lý và vận hành dự án theo thời gian.”
Chính thức ra mắt vào tháng 3/2019, SPMS đã được tích hợp vào một số dự án thuộc quản lý của Savills Việt Nam tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Ứng dụng sẽ được cập nhật thường xuyên với nhiều tính năng mới nhằm đưa quy trình vận hành trở nên thuận tiện và suôn sẻ hơn.
NT