Phú Thọ thúc đẩy phát triển chăn nuôi mạnh mẽ

07:46 19/09/2022

Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện vai trò then chốt trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

HTX gà đồi Phú Khê (Phú Thọ)
HTX gà đồi Phú Khê (Phú Thọ). 

Nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi nên việc cơ cấu, phương thức tổ chức sản xuất chăn nuôi tại tỉnh Phú Thọ đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo đột phá về năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm ngày càng được quan tâm, một số sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đã được hỗ trợ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng tem gắn mã QR Code và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi xuất bán ra khỏi tỉnh gắn với công tác kiểm dịch động vật. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi được chú trọng, người dân đã mở rộng hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm với trên 30 tỉnh, thành trong cả nước.

Nhờ vậy phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hợp tác liên kết theo chuỗi. Tỉ lệ đàn vật nuôi được chăn nuôi tại các trang trại ngày càng tăng; đã hình thành vùng chăn nuôi lợn, gà tập trung tại các huyện: Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Sơn, Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng.

Mô hình nuôi bò 3B xã Bằng Giã, huyện Đoan Hùng
Mô hình nuôi bò 3B xã Bằng Giã, huyện Đoan Hùng. 

Ông Từ Anh Sơn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết: Để phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay cần tập trung cơ cấu lại tổ chức, sản xuất chăn nuôi theo hướng gia tăng tỉ lệ chăn nuôi trang trại, giảm tỉ tệ chăn nuôi nhỏ lẻ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tăng cường hợp tác liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

"Triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng thời lồng ghép hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong các chương trình quốc gia, của tỉnh. Phát triển các dịch vụ phục vụ chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và quy trình sản xuất. Thông tin, tuyên truyền đầy đủ các nội dung chương trình, kế hoạch, lộ trình triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ và công tác chỉ đạo sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh", ông Sơn cho biết thêm.

Việc đổi mới tổ chức sản xuất chăn nuôi ngày càng rõ nét thông qua triển khai các giải pháp hỗ trợ của tỉnh Phú Thọ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 28 doanh nghiệp, 29 hợp tác xã tham gia hoạt động chăn nuôi.

Năm qua, các loại vật nuôi chủ lực của tỉnh đều tăng, tổng đàn bò đạt 105,5 nghìn con, tăng 0,31% so với năm 2015; đàn gà đạt 14,3 triệu con, tăng 41,3% so với năm 2015, chiếm 88,5% tổng đàn gia cầm; đàn lợn sụt giảm tổng đàn do tác động của dịch bệnh dịch tả lợn Châu phi năm 2019 song sản lượng thịt lợn vẫn đạt 131,6 nghìn tấn, tăng 26,4% so với năm 2015. Qua đó cho thấy, phương thức chăn nuôi tập trung trang trại, ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng thực hiện, góp phần tăng năng suất, sản lượng.

P.V